Một lập trình viên hiển thị mã độc trong vụ tấn công mạng ở Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) ngày 13/5. Ảnh: EPA/ TTXVN |
Phát biểu trên kênh truyền hình ITV's Peston ngày 14/5, Giám đốc Europol, Rob Wainwright cho biết điểm đặc biệt trong vụ tấn công mạng mới đây là phần mềm đòi tiền chuộc có khả năng tự phát tán trên quy mô lớn.
Theo ông Wainwright, phần mềm này đã lan truyền trên toàn cầu với mức độ chưa từng thấy. Theo đó, trong lần cập nhật mới nhất, số nạn nhân đã lên đến trên 200.000 tại ít nhất 150 quốc gia. Trong số các nạn nhân của phần mềm này, đa số là các doanh nghiệp, thậm chí là các tập đoàn lớn. Ông Wainwright cảnh báo số nạn nhân sẽ tiếp tục gia tăng khi tuần làm việc mới bắt đầu.
Vụ tấn công xảy ra ngày 12/5 với 57.000 -75.000 lượt tấn công ở khoảng 100 nước trên toàn thế giới, trong đó có cả những nước có hệ thống bảo mật cao như Mỹ, Anh, Áo, Tây Ban Nha, Nga và Bồ Đào Nha.... Các vụ tấn công mạng này xuất hiện dưới dạng "tống tiền" - theo đó người sử dụng mạng sẽ không thể truy cập dữ liệu trừ phi họ trả cho tin tặc một khoản tiền ảo Bitcoin với giá trị từ 300-600 USD.
Ngay sau các vụ tấn công, các công ty an ninh mạng tư nhân xác định virus gây ra vụ tấn công mạng nói trên là loại mã độc WannaCry - có khả năng tự phát tán trên quy mô lớn bằng cách lợi dụng một lỗi phần mềm trong hệ điều hành Windows của Microsoft Corp.
Một chuyên gia an ninh mạng thông báo dường như đã phát hiện cách thức ngăn chặn sự phát tán của WannaCry, bằng cách đăng ký một tên miền được sử dụng bởi mã độc này. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo vẫn cần nâng cấp hệ thống càng sớm càng tốt để tránh nguy cơ bị tấn công mạng.
Microsoft cũng đã đưa ra tuyên bố sẽ cung cấp miễn phí phần mềm mới khắc phục lỗi trong hệ điều hành cũ hơn của hãng.