Theo kênh CNN, nghỉ Giáng sinh trên bãi biển ở Phuket (Thái Lan) là điều gần như không thể, trừ khi du khách đồng ý tự cách ly ít nhất hai tuần trong khách sạn. Khả năng đón Tết Nguyên Đán ở Bali (Indonesia) vào tháng 2/2021 cũng không khả thi.
Nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung vẫn đóng cửa với phần lớn hoạt động du lịch giải trí và dự báo vẫn sẽ như vậy trong một thời gian nữa.
Trước đó, vào đầu tháng 5, du khách phương Tây hy vọng khi các chính phủ châu Á có thể kiềm chế COVID-19, họ sẽ mở cửa với du khách các nước cũng đã xử lý dịch thành công.
Khái niệm “bong bóng du lịch” của Australia và New Zealand nhanh chóng được nhiều quốc gia khác đón nhận, coi đó là cách khả thi để đón du khách quốc tế. Một số quốc gia phụ thuộc vào du lịch kỳ vọng “bong bóng du lịch” sẽ mang lại cơ hội bù lại hàng triệu USD thiệt hại trong năm nay.
Nhưng vì một số lý do, các mô hình bong bóng này chưa được thực hiện ở châu Á. Virus tiếp tục gây ra các làn sóng lây nhiễm mới, khiến phần lớn quốc gia ngần ngại thực hiện, chỉ mới dừng ở mức bàn bạc.
Ông Mario Hardy, Tổng giám đốc điều hành Hiệp hội Lữ hành châu Á – Thái Bình Dương (PATA), nói: “Bong bóng du lịch cực kỳ khó thực hiện, khó hơn những gì người ta nghĩ ban đầu rất nhiều”.
Áp lực vừa ngăn chặn thiệt hại kinh tế vừa kiềm chế dịch bệnh rất nặng nề với các chính phủ. Các quốc gia sợ sẽ có thêm nhiều ca COVID-19 nếu mở cửa cho du khách. Ngoài ra, sẽ rất khó để các nước khác đồng ý cho người dân đi du lịch ở nước ngoài vì những người này sẽ trở về và có thể mang theo virus.
Tại Australia, chính phủ áp dụng một số biện pháp nghiêm ngặt nhất thế giới khi cấm công dân ra nước ngoài du lịch. Hàng nghìn người Australia đang bị mắc kẹt ở nước ngoài do hạn chế lượt đến từ nước ngoài. Australia chỉ cho phép 4.000 người từ bên ngoài vào trong một tuần.
Singapore là quốc gia tiên phong ở Đông Nam Á trong mở dần biên giới. Nước này đã thiết lập hệ thống theo dõi nhanh người nhập cảnh ngắn hạn vì công việc, cho phép người đến từ một số nước cụ thể miễn cách ly. Tuy vậy, Singapore vẫn duy trì quan điểm là việc nhập cảnh nói chung vẫn chưa thể diễn ra cho tới quý 2 năm 2021.
Về những quốc gia chịu áp lực mở cửa lại nặng nề nhất, bà Eunice Aw, Giám đốc công ty tư vấn Horwath HTL ở Singapore, cho rằng một trong số đó là Thái Lan. Bà nói: “Ngành du lịch Thái Lan có lẽ là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nhất ở Đông Nam Á khi nước này từng đón du khách quốc tế nhiều nhất: gần 40 triệu người năm 2019. Nổi tiếng về ẩm thực, văn hóa và bãi biển, Thái Lan là điểm đến yêu thích của du khách toàn cầu”.
Du lịch chiếm gần 15% GDP của Thái Lan. Nước này đã xử lý tốt dịch COVID-19 khi 101 ngày không có ca mắc trong cộng đồng cho tới đầu tháng 9.
Thái Lan vẫn đóng cửa với du khách quốc tế nhưng điều đó có thể sớm thay đổi. Chính phủ nước này đã thông báo sẽ cấp thị thực đặc biệt 90 ngày cho du khách quốc tế. Thái Lan hy vọng có thể thực hiện kế hoạch vào tháng 10. Kế hoạch này dành cho khách nước ngoài muốn ở Thái Lan trong thời gian dài và họ sẽ phải cách ly trong khách sạn 14 ngày.
Còn tại Đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc, các quan chức cho biết họ đang tìm hiểu hành lang du lịch khả thi với 11 quốc gia có quan hệ du lịch/kinh tế gần gũi và tình hình dịch bệnh ổn định. Hong Kong đã lập một nhóm liên ngành để thảo luận đề xuất với 11 quốc gia, trong đó có Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Singapore, Đức, Pháp, Australia, Thụy Sĩ, Malaysia, Singapore.
Tuy nhiên, đề xuất này không phải dễ thực hiện. Giới chức Bộ Du lịch Hàn Quốc cho biết họ chưa có kế hoạch mở lại du lịch quốc tế và không định thảo luận về “bong bóng du lịch”.
Với Nhật Bản, nước này cũng chưa thông báo gì về kế hoạch mở lại ngành du lịch. Nhật Bản mới chỉ bắt đầu cho phép một số người nước ngoài nhập cảnh trở lại.
Trong khi đó, đảo Bali ở Indonesia định mở lại du lịch quốc tế vào 11/9 nhưng kế hoạch bị gác lại vì số ca COVID-19 tiếp tục tăng ở Indonesia.
Với những ngành phụ thuộc du lịch, biên giới đóng cửa càng lâu thì họ càng khó tồn tại. Ông Hardy thuộc PATA nói: “Tâm trạng chung trong ngành tư nhân là ảm đạm. Nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa, một số khác thì không có năng lực tài chính để duy trì kinh doanh qua năm 2020. Lĩnh vực tư nhân khắp khu vực đang gây áp lực cho chính phủ để mở lại biên giới hoặc hỗ trợ họ và nhân viên cho tới khi mở lại biên giới”.
Để chuẩn bị cho năm 2021, mọi thứ cần phải diễn ra nhanh chóng nhưng hiện nay, tình hình không như vậy. Có quá nhiều khách sạn, nhà điều hành du lịch và đại lý du lịch bị phá sản. Cơ sở hạ tầng du lịch sẽ bị suy giảm nghiêm trọng và sẽ ảnh hưởng tới trải nghiệm du lịch của mọi người sau này.