Liên hợp quốc (LHQ) cho biết tần suất xảy ra các thảm họa liên quan tới thời tiết đã tăng vọt trong nửa thế kỷ qua. Dù các hệ thống cảnh báo tiên tiến hơn giúp giảm bớt thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về kinh tế vẫn rất lớn.
Ngày 1/9, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của LHQ đã công bố báo cáo về số ca tử vong và thiệt hại kinh tế do các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan, hạn hán, lũ lụt gây ra trong giai đoạn 1970-2019. Cụ thể, thế giới đã chứng kiến hơn 11.000 thảm họa thiên tai, khiến hơn 2 triệu người thiệt mạng và gây thiệt hại 3.640 tỷ USD. Trong 50 năm qua, trung bình mỗi ngày xảy ra một thảm họa liên quan đến thời tiết, khí hậu, lũ lụt và hạn hán, khiến 115 người chết và gây thiệt hại 202 triệu USD. Hơn 91% số ca tử vong là ở các nước đang phát triển. Hạn hán là nguyên nhân gây thiệt hại về người lớn nhất trong riêng giai đoạn này với khoảng 650.000 người chết, trong khi các cơn bão cướp đi sinh mạng của 577.000 người. Cũng trong nửa thế kỷ qua, lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của gần 59.000 người, trong khi khoảng 56.000 người tử vong do nhiệt độ cực đoan.
Theo báo cáo, những thảm họa thiên tai như vậy đã tăng gấp 5 lần trong thời gian trên, phần lớn là do Trái Đất đang ấm lên. Báo cáo cũng cảnh báo xu hướng gia tăng số các vụ thiên tai và hình thái thời tiết cực đoan sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nhấn mạnh: "Tần suất xảy ra các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan, hạn hán ngày càng dày đặc và nghiêm trọng hơn ở nhiều nơi trên thế giới. Đây là hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu”.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu bật một điểm tích cực đó là dù số vụ thiên tai liên quan thời tiết và khí hậu tăng vọt trong nửa thế kỷ qua, nhưng số ca tử vong liên quan các thảm họa này đã giảm gần 3 lần từ mức hơn 50.000 ca mỗi năm trong những năm 70 của thế kỷ trước xuống dưới 20.000 ca trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21. Nếu trung bình có tới 170 ca tử vong/ngày do các thảm họa liên quan tới thời tiết và khí hậu trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, thì con số này đã giảm xuống còn 90 ca/ngày trong những năm 90 và 40 ca/ngày trong thập niên thứ hai của thế kỷ này.
Tổng Thư ký WMO Taalas nhấn mạnh chính những cải tiến đáng kể trong hệ thống cảnh báo sớm đã góp phần quan trọng giúp giảm thiểu thiệt hại về người. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm, khi chỉ có 50% trong số 193 quốc gia thành viên của tổ chức này hiện có hệ thống cảnh báo sớm các nguy cơ tiềm ẩn.
Báo cáo của WMO cũng cảnh báo rằng vẫn còn tồn tại những lỗ hổng nghiêm trọng trong mạng lưới quan trắc thời tiết và khí tượng thủy văn tại châu Phi, nhiều nước ở khu vực Mỹ Latinh, tại Thái Bình Dương cũng như các đảo quốc ở Caribe.
Bà Mami Mizutori, người đứng đầu Văn phòng LHQ về giảm thiểu rủi ro thiên tai, đánh giá cao vai trò của các hệ thống cảnh báo sớm hiện đại, qua đó giúp đảm an toàn sinh mạng cho người dân. Tuy nhiên, bà lưu ý rằng số lượng người gặp rủi ro thiên tai đang gia tăng do dân số tăng ở các khu vực có nguy cơ cao cũng như do cường độ và tần suất xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng cao.
Theo thống kê, trong các năm 2010-2019, các thảm họa thiên tai gây thiệt hại ước tính 383 triệu USD mỗi ngày, gấp 7 lần so với mức thiệt hại trung bình 49 triệu USD/ngày trong thập niên 70 của thế kỷ trước. Ngoài ra, 7 trong 10 thảm họa gây thiệt hại nặng nề nhất trong 50 năm qua đã xảy ra kể từ năm 2005. Đáng chú ý, chỉ riêng năm 2017 đã hứng chịu 3 thảm họa lớn là các siêu bão Harvey, Maria và Irma, gây thiệt hại kinh tế lần lượt là 97 tỷ USD, 70 tỷ USD và gần 60 tỷ USD.