Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới lên mức 38.157.733

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22 giờ ngày 13/10 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 38.157.733 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.087.040 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 26/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Toàn thế giới có trên 28,68 triệu bệnh nhân hồi phục, tuy nhiên vẫn còn khoảng 1% số bệnh nhân COVID-19 đang phải điều trị tích cực.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 8.044.057 ca mắc và 220.174 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 7.203.958 ca mắc và 110.116 ca tử vong, Brazil với 5.103.408 ca mắc và 150.709 ca tử vong.

Tại châu Á, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo nước này ghi nhận 13 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, trong đó có 7 ca nhập cảnh và 6 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là các ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên ở Trung Quốc trong gần 2 tháng qua. Tất cả các ca lây nhiễm mới trong cộng đồng được ghi nhận ở tỉnh Sơn Đông. Lần gần đây nhất Trung Quốc có các ca lây nhiễm trong cộng đồng là vào ngày 15/8 với 4 ca đều ở Khu tự trị Tân Cương.

Cùng ngày, Hàn Quốc thông báo số ca nhiễm mới tăng trở lại mức 3 con số, sau 5 ngày liên tục ở mức 2 con số, trong bối cảnh vẫn xuất hiện các ổ dịch lẻ tẻ trên toàn quốc và số ca nhập cảnh tăng khi các biện pháp giãn cách xã hội nới lỏng đã có hiệu lực trong tuần này. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA), nước này ghi nhận thêm 102 ca nhiễm mới (trong đó có 69 ca lây nhiễm trong cộng đồng), tăng so với 98 ca ghi nhận ngày 12/10 và 58 ca ngày 11/10. Từ ngày 13/10, người dân Hàn Quốc phải đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, tại các cơ sở y tế và các điểm tụ tập. Bắt đầu từ tháng 11, người vi phạm quy định này có thể bị phạt 100.000 won (87 USD).

Tại Đông Nam Á, trụ sở Hội đồng lập pháp của thủ đô Jakarta (Indonesia) ngày 13/10 đã bị phong tỏa sau khi ít nhất 41 nhà lập pháp và nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tổng Thư ký Hội đồng Indra Iskandar cho biết tòa nhà Nusantara 1 - nơi tập trung văn phòng riêng của các đại biểu và phòng họp chính - sẽ đóng cửa tới ngày 8/11 để khử trùng trong khi những người mắc bệnh đã tự cách ly. Trước đó, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cũng đã yêu cầu đóng cửa khu phức hợp Hội đồng lập pháp địa phương sau khi hàng chục người tại đây mắc COVID-19. Thủ đô Jakarta hiện vẫn là tâm dịch của Indonesia với trên 88.100 ca mắc, trong đó có trên 1.920 ca tử vong.

Bộ Y tế Philippines ghi nhận 1.990 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày thấp nhất trong vòng 3 tuần qua tại quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại đây đã tăng lên tới 344.713 ca, vẫn ở mức cao nhất khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, với thêm 40 ca bệnh không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở Philippines hiện tăng lên thành 6.372 ca.

Tâm dịch của châu Á là Ấn Độ đã ghi nhận tín hiệu tích cực khi chỉ có thêm 55.342 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Đây là số ca nhiễm theo ngày thấp nhất ở Ấn Độ kể từ giữa tháng 8, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 7,18 triệu ca, trong đó có 109.856 ca tử vong (sau khi có thêm 706 ca). Theo Bộ Y tế Ấn Độ, số các ca nhiễm mới theo ngày đang có xu hướng giảm trong 5 tuần qua.

Tình hình dịch tại châu Âu vẫn đang diễn biến phức tạp. Giới chức Pháp cho biết số bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các khu chăm sóc đặc biệt ở nước này đã tăng lên hơn 1.500 ca trong ngày 12/10, mức cao nhất kể từ ngày 27/5. Điều này làm tăng quan ngại các biện pháp hạn chế sẽ được áp đặt trên cả nước.

Ngày 13/10, số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại Nga đã lên mức cao nhất trong 24 giờ kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát hồi đầu năm nay. Cụ thể, quốc gia châu Âu này đã ghi nhận thêm 13.868 ca mắc mới COVID-19 và 244 trường hợp tử vong, đưa tổng số người nhiễm và tử vong do virus SARS-CoV-2 lên lần lượt là 1.326.178 và 22.966 người.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cũng đã ký ban hành sắc lệnh mới hạn chế một số hoạt động nhằm đối phó dịch COVID-19 đang có dấu hiệu tiếp tục tăng tại quốc gia này. Điểm mới trong sắc lệnh mới ban hành là cấm tổ chức tiệc riêng (cả trong nhà và ngoài trời) với số người tham dự vượt quá 6 người không sống cùng nhà. Các nhà hàng, quán bar sẽ phải đóng cửa lúc 24h đêm và kể từ 21h chỉ được phục vụ tại bàn. Ngoài ra, sắc lệnh còn bắt buộc người dân đeo khẩu trang ngoài trời và trong nhà, khuyến cáo đeo khẩu trang ngay cả tại nơi ở khi có mặt người lạ không sống cùng nhà; đóng cửa các vũ trường, phòng khiêu vũ; đình chỉ các hoạt động trao đổi giáo dục, các chuyến tham quan, dã ngoại của học sinh. Đối với các rạp chiếu phim, nhà hát, sân vận động, số lượng khán giả giới hạn ở mức 200 người trong nhà và 1.000 người ngoài trời, đồng thời phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1 mét. Tuy nhiên, Chính phủ Italy cho phép tổ chức các hội chợ, hội nghị, các nghi lễ dân sự hay tôn giáo (như đám cưới), các bữa tiệc sau các buổi lễ có thể diễn ra với sự tham dự của tối đa 30 người, và phải tuân thủ các giao thức và hướng dẫn đã có hiệu lực.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã phải cách ly sau khi tiếp xúc với một trường hợp mắc COVID-19. Ông Morawiecki không có triệu chứng mắc bệnh và sẽ tiếp tục điều hành chính phủ trong thời gian cách ly. Bộ Y tế Ba Lan thông báo nước này ghi nhận thêm 5.068 ca mắc COVID-19. Đây là lần thứ hai số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở Ba Lan lên tới trên 5.000 người kể từ khi đại dịch bùng phát. Tính đến nay, Ba Lan ghi nhận tổng cộng 135.278 ca mắc COVID-19 và 3.101 trường hợp tử vong.

Liên quan công tác bào chế vaccine phòng COVID-19, hãng Johnson & Johnson (J&J) thông báo đã tạm ngừng thử nghiệm do một trong những tình nguyện viên tham gia có vấn đề về sức khỏe. J&J cho biết các phản ứng phụ có thể xảy ra đối với bất kỳ nghiên cứu lâm sàng nào, đặc biệt là những nghiên cứu lớn. Theo quy định, J&J đã ngừng thử nghiệm để xác định xem trường hợp trên có phải liên quan đến loại thuốc thử nghiệm và có nên tiếp tục nghiên cứu hay không. Hiện vaccine phòng ngừa COVID-19 của J&J đang được thử nghiệm tại Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Mexico, Peru và Nam Phi.

Thanh Phương (TTXVN)
Dự báo thời gian tới, dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp
Dự báo thời gian tới, dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp

Dự báo mùa đông năm nay, cuộc chiến chống COVID-19 sẽ rất khốc liệt, dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào, thời điểm nào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN