Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại châu Âu vượt 11 triệu người

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 3/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 47.471.409 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.213.667 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là  34.118.586 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 8/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 237.031 ca tử vong trong tổng số 9.570.921 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 123.179 ca tử vong trong số 8.272.903 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 160.272 ca tử vong trong số 5.554.206 bệnh nhân.

Xét trên tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 105 người không qua khỏi đại dịch này. Tiếp đến là Bỉ (với tỷ lệ 102 người), Tây Ban Nha - 78 người và Brazil - 75 người.

Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với 403.344 ca tử vong trong tổng số 11.326.222 ca nhiễm. Châu Á có 172.277 ca tử vong trong số 10.686.922 ca nhiễm; Trung Đông ghi nhận trên 60.900 ca tử vong; châu Phi - trên 43.300 ca tử vong, và số ca tử vong do COVID-19 tại châu Đại Dương là trên 1.000 ca.

Trong khi đó, theo thống kê mới nhất của hãng tin AFP của Pháp, số ca mắc COVID-19 tại châu Âu đã vượt mốc 11 triệu người. Cụ thể, lục địa này hiện có 11.008.468 ca nhiễm, trong đó có 284.148 ca tử vong. 

Trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 gia tăng đột biến ở một số quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng đây là thời điểm quan trọng để các nhà lãnh đạo hành động và nắm bắt cơ hội để kiểm soát dịch COVID-19.

Trong khi đó, Giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO - ông Mike Ryan cho biết các chính phủ ở châu Âu đang phải đối mặt "tình huống rất khó khăn" trong việc kiểm soát các ca lây nhiễm mới COVID-19 khi công dân của Liên minh châu Âu (EU) ngày càng trở nên mệt mỏi với những hạn chế mới trong cuộc sống hằng ngày.

Ngày 3/11, Hungary thông báo trong 24 giờ qua nước này ghi nhận số ca nhiễm mới và số ca tử vong cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, cụ thể 3.989 ca nhiễm mới và 84 ca tử vong. Bộ Y tế Bulgaria cũng thông báo nước này ghi nhận số ca tử vong trong một ngày cao nhất từ trước tới nay - 51 ca.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVD-19 tại Moskva, Nga ngày 28/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Nga ghi nhận 18.648 ca nhiễm mới, trong đó 5.150 bệnh nhân ở thủ đô Moskva, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 1.673.686 người. Các số liệu thống kê chính thức cho thấy Nga có thêm 335 bệnh nhân tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 28.828 ca. 

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi người dân tuân thủ quy định tự cách ly nghiêm ngặt hơn nữa nếu thấy mình thuộc diện có nguy cơ mắc bệnh COVID-19. Ông đồng thời nhấn mạnh triển vọng thực sự để có vaccine phòng COVID-19 là vào quý I/2021 và mục đích của việc phong tỏa toàn vùng England trong 4 tuần là nhằm tránh để xảy ra một thảm họa y tế.

Anh là một trong những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19, với khoảng 47.000 ca tử vong trong tổng số trên 1 triệu ca mắc COVID-19. Quyết định áp đặt phong tỏa lần hai tại England được đưa ra sau khi các bệnh viện thông báo có thể rơi vào tình trạng quá tải trong những tuần tới nếu chính phủ không hành động mạnh mẽ.

Trong khi đó, Chính phủ Bỉ cho biết tỷ lệ gia tăng các ca mắc mới COVID-19 tại nước này đang có những dấu hiệu chững lại đầu tiên, nhưng vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định làn sóng thứ hai đã lên tới đỉnh điểm. Theo số liệu chính thức, đất nước 11 triệu dân, nơi đặt trụ sở chính của EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hiện có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất châu Âu và là một trong những quốc gia chứng kiến tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới.

Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu, Bỉ vẫn ghi nhận 1.735 ca nhiễm mới/100.000 dân trong vòng 14 ngày (tính đến ngày 2/11). Đây là tỷ lệ cao hơn gấp đôi so với nước láng giềng Pháp. Chính phủ Bỉ bắt đầu áp đặt các biện pháp siết chặt từ ngày 2/11 - 13/12 nhằm kìm hãm đà lây lan của bệnh dịch, với việc hạn chế tối đa giao tiếp xã hội và đóng cửa các cơ sở có tiếp xúc trực tiếp như tiệm làm tóc và cửa hàng không thiết yếu.

Quốc hội Đan Mạch ngày 3/11 đã buộc phải tạm ngừng làm việc sau khi 5 nghị sĩ cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và 6 bộ trưởng đã phải cách ly để chờ kết quả xét nghiệm. Trong số các nghị sĩ Đan Mạch mắc COVID-19 nêu trên có Chủ tịch đảng Bảo thủ Soren Pape Poulsen và cựu Bộ trưởng Năng lượng Lars Christian. Bộ trưởng Tư pháp Nick Haekkerup nằm trong số những chính khách đang chờ kết quả xét nghiệm. Tuần trước, ông Haekkerup đã cùng tham dự một cuộc họp với Thủ tướng Mette Frederiksen.

Trong khi đó, Pháp đang có kế hoạch chuyển bớt bệnh nhân COVID-19 sang điều trị tại Đức trong vài ngày tới, do hệ thống y tế của nước này đã quá tải. Tính đến thời điểm hiện tại, Pháp đã có 1.466.433 người mắc COVID-19, trong đó có 37.435 trường hợp tử vong.

Tại châu Mỹ, Tổng thống Panama Laurentino Cortizo thông báo ông đã tự cách ly sau khi một nhân viên thân cận của ông dương tính với COVID-19, song không tiết lộ tên và vị trí làm việc của người này. Tổng thống Cortizo đã xét nghiệm hai lần và đều có kết quả âm tính với COVID-19. Tuy nhiên, ông cho biết vẫn sẽ tiếp tục tự cách ly "cho tới khi xét nghiệm lại trong vài ngày tới".

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Vancouver, British Columbia, Canada. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Canada, một số tỉnh đang cân nhắc áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn trong bối làn sóng lây nhiễm thứ hai đang lan nhanh tại nước này. Chính quyền Ontario dự định công bố hệ thống đánh giá mới cho các biện pháp hạn chế ngừa COVID-19, qua đó cho phép các cơ quan y tế áp đặt các lệnh phong tỏa hay đóng cửa nếu cần thiết. Mỗi thang đánh giá trong hệ thống bao gồm loạt biện pháp từ cấp độ không hạn chế đến phong tỏa hoàn khu vực tại những nơi không thể kiểm soát tỷ lệ lây nhiễm. Trong khi đó, giới chức tỉnh Manitoba tuyên bố đang cân nhắc áp đặt lệnh giới nghiêm để ngăn người dân tụ tập đông người. 

Trong khi đó, Thống đốc bang New York (Mỹ) Andrew Cuomo cảnh báo tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại bang này đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt tại một số khu vực trọng điểm từng chịu tác động nghiêm trọng của dịch bệnh. Cụ thể, tỷ lệ dương tính trong các xét nghiệm ở các khu vực trọng điểm tiến hành ngày 1/11 là 3,5%, cao hơn mức 3,1% ghi nhận trong các xét nghiệm một ngày trước đó. Trong khi đó, tỷ lệ xét nghiệm dương tính trên toàn bang, ngoại trừ những khu vực trọng điểm, cũng tăng 1,48% từ mức 1,36% trong cùng khung thời gian tham chiếu.

New York từng là bang chịu tác động mạnh nhất khi làn sóng dịch bệnh thứ nhất tấn công Mỹ hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, theo trường Đại học Johns Hopkins, tới nay tỷ lệ xét nghiệm dương tính ở bang này đang ở mức thấp thứ 2 tại Mỹ, khoảng 1,39%, sau bang Maine với 0,77%.

Iran hiện là tâm dịch của Trung Đông. Nước này đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục trong 24 giờ qua - 8.932 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người mắc COVID-19 tại Iran lên 637.712 trường hợp. Cũng trong 24 giờ qua, nước này có thêm 422 người tử vong do COVID-19. Theo đó, tổng số người không qua khỏi đại dịch này tại đây hiện là 36.160 trường hợp.

Thanh Phương (TTXVN)
Chiều 3/11, Việt Nam có thêm 10 ca mắc mới COVID-19, đều là nhập cảnh
Chiều 3/11, Việt Nam có thêm 10 ca mắc mới COVID-19, đều là nhập cảnh

Tính đến 18 giờ ngày 3/11, Việt Nam ghi nhận thêm 10 ca mắc mới COVID-19, đều là các ca nhập cảnh, nâng tổng số mắc lên 1.202 ca.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN