Cùng ngày, thủ đô Tokyo đã nâng cảnh báo lên mức cao thứ hai từ trên xuống trong thang gồm 4 bậc. Đây là lần đầu tiên từ tháng 9/2020, cảnh báo ở cấp này được đưa ra. Chính quyền thủ đô Tokyo dự báo với đà tăng như hiện nay thì vào tuần tới, số ca mắc COVID-19 trung bình trong 7 ngày tới sẽ lên tới 9.576 ca/ngày.
Ông Mitsuo Kaku, người đứng đầu một ủy ban chuyên gia y tế của chính quyền thành phố, cho biết: “Số ca nhiễm hoàn toàn có thể vượt 10.000 ca/ngày”. Ông nhấn mạnh: “Điều quan trọng là chuẩn bị đầy đủ cho tình huống này”. Tỷ lệ sử dụng giường điều trị bệnh nhân COVID-19 là 13,7% vào ngày 12/1, khi có 954 ca phải nhập viện, trong đó 4 người có triệu chứng nặng.
Phát biểu với báo giới, Thống đốc Yuriko Koike cho biết thành phố sẽ đề nghị chính phủ ban bố tình trạng bán khẩn cấp nếu tỷ lệ này tăng lên 20% và ban bố tình trạng khẩn cấp nếu con số này là 50%.
Nhật Bản đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 6, do sự lây lan của biến thể Omicron. Cả nước đã ghi nhận 13.244 ca nhiễm trong ngày 12/1, mức cao nhất trong 4 tháng qua. Nhà chức trách Nhật Bản đang phải đau đầu cân nhắc để đảm bảo tránh nguy cơ cho quá tải hệ thống y tế mà không làm gián đoạn các hoạt động xã hội.
* Tại Ấn Độ, các chuyên gia dự báo số ca nhiễm mới ở các thành phố lớn như thủ đô New Delhi và Mumbai, có thể đạt đỉnh vào tuần tới.
Ngày 13/1, Ấn Độ đã ghi nhận 274.417 ca nhiễm mới, mức theo ngày cao nhất kể từ tháng 5/2020. Nếu so với cách đây 1 tháng, con số này cao gấp 30 lần. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ hiện là hơn 36,32 triệu ca, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.
Giáo sư vật lý và sinh vật tại Đại học Ashoka gần thủ đô New Delhi, ông Gautam Menon cho biết: “Mô hình thống kê của chúng tôi và nhiều mô hình khác cho thấy các thành phố lớn của Ấn Độ sẽ chứng kiến đỉnh dịch vào khoảng ngày 20/1 tới”. Delhi ghi nhận hơn 27.500 ca nhiễm vào ngày 12/1, gần tới mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch. Giám đốc Sở Y tế Delhi dự báo số ca nhiễm sẽ bắt đầu giảm trong vài ngày tới.
Thành phố Mumbai đã ghi nhận số ca nhiễm theo ngày cao kỷ lục là 20.971 ca vào ngày 7/1 và con số này đang giảm dần. Giới chức thành phố cho biết tỷ lệ nhiễm cũng đang giảm, với gần 80% giường dành cho bệnh nhân COVID-19 không phải dùng đến. Các quan chức y tế cấp bang và liên bang cho biết đa số ca nhiễm trong làn sóng thứ ba hiện có triệu chứng nhẹ, số ca nhập viện và tử vong ít hơn so với đợt bùng phát hồi tháng 4-5/2020 từng cướp đi tính mạng của hàng trăm nghìn người.
Bộ Y tế Ấn Độ cho biết các loại thuốc giảm đau thông thường như paracetamol là đủ với người có triệu chứng nhẹ. Người đứng đầu Trung tâm Dược phẩm xã hội và y tế cộng đồng tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, ông Rajib Dasgupta cho biết: “Kinh nghiệm nhiều nước khác cho thấy cần theo dõi số ca nhập viện hơn là số ca nhiễm".
Ấn Độ mới tiêm phòng các mũi vaccine cơ bản cho gần 70% trong số 939 triệu người dân từ độ tuổi trưởng thành trở lên. Tỷ lệ người chưa tiêm phòng khiến nhà chức trách lo ngại, nhất là khi 5 bang sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 10/2 tới.