Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhà chức trách du lịch Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán an toàn. Theo đó, yêu cầu các hãng du lịch không tổ chức các tour du lịch theo nhóm ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Trung Quốc, đồng thời tuân thủ các quy định về du lịch giữa các tỉnh. Bên cạnh đó, phải áp dụng các quy định hạn chế số người tham dự, đặt vé trước và đảm bảo giãn cách tại các điểm du lịch cũng như các viện bảo tàng, thư viện, trung tâm văn hóa. Ngoài ra, người dân cần tuân thủ các khuyến cáo về vệ sinh cá nhân và các biện pháp phòng chống dịch.
Trong bối cảnh dịch bệnh lây lan nhanh do biến thể Omicron kết hợp với kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán, số ca mắc mới ghi nhận theo ngày tại Hàn Quốc đã vượt 18.000 ca lần đầu tiên kể từ khi dịch xuất hiện tại nước này 2 năm trước đây. Cụ thể, ngày 1/2, Hàn Quốc ghi nhận 18.343 ca mắc mới, trong đó có 18.123 ca lây nhiễm trong nước. Đến nay, Hàn Quốc đã ghi nhận tổng cộng 864.042 ca mắc, trong đó có 6.772 ca tử vong.
Từ ngày 29/1, hệ thống ứng phó dịch bệnh Hàn Quốc đã có những điều chỉnh mới để kiểm soát làn sóng do biến thể Omicron gây ra. Hiện Omicron là biến thể chủ đạo gây bệnh tại Hàn Quốc, với 80% số ca mắc ghi nhận tại quốc gia này trong tuần trước nhiễm Omicron. Giới chức y tế đã đặt cảnh báo dịch bệnh ở mức cao khi dự báo số ca mắc mới mỗi ngày sẽ sớm vượt mức 20.000 ca do các gia đình sẽ tụ tập nhiều hơn trong dịp nghỉ lễ.
Theo điều chỉnh, khoảng 250 trạm xét nghiệm tại các trung tâm y tế cộng đồng và các bệnh viện lớn sẽ phục vụ cả hình thức xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR để người dân lựa chọn. Những người trên 60 tuổi hoặc người thuộc nhóm nguy cơ cao được ưu tiên xét nghiệm PCR. Từ ngày 3/2, các bệnh viện và phòng khám địa phương cũng sẽ cung cấp các bộ sinh phẩm tự xét nghiệm. Cơ chế mới được áp dụng để giảm thiểu các ca mắc bệnh nặng và tử vong đồng thời ngăn chặn nguy cơ quá tải hệ thống y tế. Cơ chế này sẽ được mở rộng áp dụng trên toàn quốc sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán (đến hết ngày 2/2).
Trong khi đó, Đan Mạch trở thành quốc gia thành viên đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng dịch COVID-19, dù số ca mắc mới vẫn liên tục tăng lên các mức cao mới. Quyết định này của Đan Mạch căn cứ tỷ lệ dân số được tiêm phòng cao.
Các câu lạc bộ đêm tại Đan Mạch mở cửa trở lại từ ngày 1/2 trong khi quy định giới hạn số người được tham gia các sự kiện tập trung trong nhà cũng không còn hiệu lực. Đan Mạch chỉ duy trì một số ít biện pháp hạn chế tại các biên giới, với những người chưa tiêm phòng đến từ các nước không thuộc khối đi lại tự do Schengen.
Đan Mạch vẫn đang ghi nhận từ 40.000 - 50.000 ca mới mới mỗi ngày, tương đương gần 1% tổng dân số 5,8 triệu người. Tuy nhiên, hơn 60% dân số Đan Mạch đã được tiêm phòng mũi tăng cường, mục tiêu được thực hiện sớm hơn 1 tháng so với dự kiến ban đầu và cao hơn mức trung bình gần 45% của toàn khối EU. Giới chức y tế Đan Mạch ước tính khoảng 80% dân số đã có kháng thể bảo vệ trước nguy cơ bệnh nặng vì COVID-19, bao gồm những người đã từng mắc bệnh.
Trong bối cảnh các trường học tại Australia trở lại dạy học trực tiếp, nhiều phụ huynh lo lắng về nguy cơ con em có thể nhiễm virus SARS-CoV-2. Giới chức y tế nước này cũng đã chuẩn bị sẵn cho tình huống số ca mắc mới sẽ tăng trở lại. Dựa trên tình hình thực tế của từng địa phương, chính quyền từng nơi có đề ra quy định xử lý tình huống xuất hiện ca nhiễm tại trường học.
Bang New South Wales quy định phụ huynh có con mắc COVID-19 phải thông báo cho cơ quan y tế bang thông qua ứng dụng của chính quyền, cũng như trường học càng sớm càng tốt. Trẻ sẽ phải tự cách ly trong 7 ngày. Thời gian cách ly này cũng giống với quy định ở bang Victoria, theo đó trẻ không cần phải làm xét nghiệm khi kết thúc cách ly.
Trong khi đó, tại bang Queensland, trường học mở trực tiếp trở lại từ ngày 7/2. Cũng giống như ở New South Wales và Victoria, các trường cũng được yêu cầu thực hiện xét nghiệm nhanh cho học sinh, giáo viên và nhân viên, trong khi đeo khẩu trang là quy định bắt buộc tại các trường trung học. Các học sinh nhiễm bệnh mà không có triệu chứng có thể quay lại trường học sau 7 ngày, nếu không sẽ phải tự cách ly cho đến khi các triệu chứng biến mất. Tại South Australia, các cấp học khác nhau sẽ trở lại trường học theo lịch trình khác nhau.
Tại bang Tasmania, các trường sẽ quay lại học trực tiếp từ ngày 9/2, theo đó mỗi học sinh phải xét nghiệm nhanh 2 lần trước khi đến lớp. Trẻ sẽ phải học online nếu có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và phải cách ly 7 ngày hoặc đến khi không còn triệu chứng.
Học sinh tại vùng lãnh thổ thủ đô Australia sẽ trở lại học trực tiếp trong tuần này. Cha mẹ học sinh sẽ phải thông báo với trường học nếu con em mình mắc COVID-19, cách ly trẻ trong 7 ngày, trong khi trường học sẽ áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm đối với những người khác trong trường. Trong bang West Australia, các trường học sẽ đóng cửa để khử khuẩn khi phát hiện ca nhiễm, trong khi tất cả gia đình các học sinh và nhân viên đều nhận được thông báo về ca nhiễm
Dịch bệnh bùng phát cũng khiến Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo hội nghị thường niên của nhóm thể chế tài chính này sẽ tiếp tục lùi 1 năm so với kế hoạch, vốn dự kiến diễn ra tại Maroc vào tháng 10/2022. Trong một tuyên bố, WB và IMF cho biết quyết định trên được đưa ra căn cứ vào diễn biến tiếp tục phức tạp của dịch COVID-19.
Liên đoàn bơi lội thế giới (FINA) ngày 1/2 thông báo Giải vô địch bơi lội thế giới lần thứ 19, dự kiến diễn ra tại Fukuoka (Nhật Bản) vào tháng 5 tới, sẽ hoãn đến tháng 7/2023 do dịch COVID-19. Ban đầu, giải vô địch bơi lội thế giới lần thứ 19 dự kiến được tổ chức vào năm 2021, song đã phải hoãn lại do dịch COVID-19. Sau đó, ban tổ chức đã lên kế hoạch tổ chức giải đấu này từ ngày 13 - 29/5/2022. Như vậy, giải vô địch bơi lội thế giới lần thứ 20, ban đầu dự kiến diễn ra vào tháng 11/2023 ở Doha (Qatar), sẽ lùi đến tháng 1/2024.