Số ca mắc COVID-19 tăng mạnh tại Italy, Pháp và Hy Lạp 

Ngày 23/8, Italy ghi nhận thêm hơn 1.200 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đánh dấu số ca mắc hằng ngày tại quốc gia này tăng gần gấp đôi chỉ trong 5 ngày.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 lên xe cứu thương tại Milan, Italy, ngày 29/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, Italy ghi nhận 1.210 ca mắc mới trong 24 giờ qua, gần gấp đôi con số 642 ca ghi nhận ngày 19/8. Tình trạng gia tăng các ca mắc mới được cho là liên quan đến hoạt động du lịch và giải trí mùa Hè. Số ca mắc mới tăng mạnh nhất tại vùng Lombardy ở phía Bắc, với 239 ca, tiếp theo là thủ đô Rome với 184 ca và vùng Venice với 145 ca. Trong ngày 23/8, Italy ghi nhận thêm 7 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại quốc gia này lên 35.437.

Dù số ca mắc mới có dấu hiệu tăng liên tục, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza đã bác bỏ khả năng áp dụng trở lại biện pháp phong tỏa toàn quốc, cho rằng tình hình hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát.

* Pháp ghi nhận gần 4.900 ca mắc mới trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ tháng 5, trong khi Bộ Y tế nước này cảnh báo mức độ lây nhiễm có nguy cơ gia tăng.

Theo giới chức y tế Pháp, ngày 23/8 quốc gia này ghi nhận thêm 4.897 ca mắc mới, tăng mạnh so với con số 3.602 ca ghi nhận một ngày trước đó. Đây cũng là số ca mắc mới trong ngày cao nhất kể từ khi Pháp dỡ bỏ phong tỏa hồi tháng 5 vừa qua, sau 2 tháng áp dụng nhằm kiềm chế dịch bệnh.

Đáng chú ý, giới chức y tế vùng Herault cảnh báo về một ổ dịch "rất đáng lo ngại" liên quan khu nghỉ dưỡng Cap d'Agde ở ven Địa Trung Hải. Tới nay, tổng số ca nhiễm liên quan khu nghỉ dưỡng này đã vượt 100 ca, trong đó có nhiều du khách có kết quả dương tính với virus sau khi trở về nhà.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Parc Manceau, Le Mans, Pháp ngày 21/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời phỏng vấn báo Le Journal du Dimanche, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cảnh báo có nhiều nguy cơ số ca mắc mới sẽ gia tăng khi người dân Pháp trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Hè. Ông Veran nhấn mạnh tình hình hiện nay đã khác so với thời điểm dịch xuất hiện lần đầu hồi tháng 2, tốc độ lây lan virus ở nhóm dưới 40 tuổi hiện cao gấp 4 lần nhóm trên 65 tuổi. Năng lực xét nghiệm cũng đã được tăng cường lên mức 700.000 xét nghiệm/tuần. Tuy nhiên, không thể chủ quan với nguy cơ những người trẻ mắc bệnh sẽ lây cho những người cao tuổi, nhóm có nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong cao hơn. Đặc biệt, hầu hết các ca mắc mới liên quan tới những cuộc tụ tập giải trí thu hút giới trẻ nhưng các quy định giãn cách không được tuân thủ. So với thời điểm đầu mùa Hè, hiện nay tỷ lệ lây nhiễm đã tăng 1%, trong đó 3% người được xét nghiệm có kết quả dương tính.

Bộ trưởng Y tế Pháp cũng cho biết quốc gia này sẽ không phong tỏa toàn quốc, thay vào đó sẽ áp dụng các biện pháp cấp địa phương. Quan chức này cũng bác bỏ thông tin rằng chủng virus hiện tại ít nguy hiểm hơn, theo đó nhấn mạnh điểm khác biệt duy nhất là lần này người trẻ tuổi nhiễm bệnh nhiều hơn với ít triệu chứng hơn.

*Ngày 23/8, Hy Lạp cũng ghi nhận thêm 284 ca mắc mới trong ngày, con số cao nhất từng được ghi nhận kể từ khi dịch xuất hiện tại quốc gia này hồi cuối tháng 2. Hiện Hy Lạp ghi nhận tổng cộng 8.664 ca mắc bệnh trong đó có 242 ca tử vong. Các quan chức Hy Lạp nhấn mạnh số ca mắc mới gia tăng trở lại không liên quan việc quốc gia này khôi phục ngành du lịch và phần lớn các ca mới phát hiện gần đây là những ca trong cộng đồng.

Hy Lạp khẳng định sẽ không áp dụng biện pháp phong tỏa toàn quốc lần 2 mà thay vào đó là các biện pháp giới nghiêm và hạn chế tại các vùng như Attica, Macedonia-Thrace và Crete, cũng như ở các vùng du lịch nổi tiếng như Corfu, Santorini, Rhodes. Mới đây nhất, ngày 23/8, giới chức y tế đã đưa đảo Lesbos vào danh sách những khu vực cần nâng cao cảnh giác với dịch bệnh. Danh sách này hiện có hơn 10 khu vực trong đó có thủ đô Athens.

Theo đó, từ ngày 24/8 tới ngày 1/9, các nhà hàng và quán bar tại Lesbos phải đóng cửa trước nửa đêm, các hoạt động tụ tập ngoài trời giới hạn tối đa 50 người tham gia, trừ những nơi có thể áp dụng quy định giãn cách xã hội. Các cơ sở tạm trú cho người di cư trên hòn đảo này đã được phong tỏa từ tháng 3 cho tới hết tháng 8.

Lê Ánh (TTXVN)
Trung Quốc ưu tiên cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho các nước vùng Mekong
Trung Quốc ưu tiên cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho các nước vùng Mekong

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 24/8 cho biết Trung Quốc sẽ ưu tiên cung cấp vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho các nước vùng Mekong khi vaccine này được phát triển và đưa vào sử dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN