Snowden còn đáng sợ hơn khủng bố!

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper mới đây đã buộc phải thốt ra rằng: "Snowden (ảnh) còn đáng sợ hơn cả khủng bố", đồng thời kêu gọi "Người thổi còi" Snowden trả lại Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) những tài liệu bị đánh cắp.


"Báo Độc lập" (Nga) ngày 31/1 cho biết trong Báo cáo thường niên trước Ủy ban Thượng viện (Mỹ) về các mối hiểm họa toàn cầu, ông trùm tình báo Mỹ James Clapper đã buộc phải thừa nhận rằng việc Snowden vẫn tiếp tục tiết lộ những bí mật quốc gia của Mỹ còn khủng khiếp hơn cả chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Báo cáo này cho rằng có thể Snowden đã tải được khoảng 1.700.000 tài liệu được đóng dấu "Tuyệt mật" của Mỹ và đến thời điểm này anh ta chỉ mới tiết lộ một phần rất nhỏ trong số đó.

Kể từ thời điểm Snowden thổi "tiếng còi" đầu tiên đối với các hoạt động nghe lén của tình báo Mỹ hồi tháng 6/2013, Chính phủ Mỹ đảo điên truy bắt Snowden, rồi lên tiếng đe dọa và thậm chí tung tin dưới hình thức nặc danh sẽ "giết người diệt khẩu", song vẫn chưa thể ép được "Người thổi còi" im lặng.

Và đến nay, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper đã buộc lòng phải "hạ cố" đề nghị Snowden trả lại những tài liệu đánh cắp được cho chủ nhân của nó là NSA. Điều này chứng tỏ những bí mật Snowden còn nắm giữ có sức công phá rất lớn.

Tình báo Mỹ cho rằng nguy cơ hiện hữu đối với an ninh Mỹ chính là những chiến binh thánh chiến Jihad, trong đó có hai nhóm khủng bố thực sự muốn tấn công đất Mỹ. Và những hành động của cựu nhân viên an ninh Snowden thực sự đang đẩy nước Mỹ vào những tình huống nguy hiểm hơn.

Ông James Clapper cho rằng vụ rò rỉ thông tin từ Snowden đã trở thành "vụ trộm cắp thông tin tình báo nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ" nói chung cũng như đối với ngành tình báo Mỹ nói riêng.

Từ những thông tin do Snowden tiết lộ, những kẻ khủng bố và nhiều kẻ thù khác của Mỹ có cơ hội nắm được kinh nghiệm cũng như các phương pháp của Mỹ, từ đó có thể tìm cách qua mặt tình báo Mỹ.

Ông Matt Olsen, Giám đốc Trung tâm Chống Khủng bố Quốc gia, cho biết bây giờ rất khó để theo dõi các hoạt động của những kẻ khủng bố, khi mà họ đã thay đổi cách thức truyền thông, nhờ vào các tiết lộ của Snowden. Ngành tình báo Mỹ coi đây là mối nguy cơ cao nhất và là thách thức mới nhất đối với ngành an ninh Mỹ, khi mà các bí mật nghề nghiệp của ngành này bị phơi bày ra ánh sáng.

Mỹ đồng thời cũng kêu gọi Nga và Trung Quốc, là hai nước dẫn đầu trong lĩnh vực này, quan tâm hơn đến hành vi đánh cắp thông tin kỹ thuật số và phá hủy các hệ thống máy tính của các cơ quan an ninh Mỹ. Đánh cắp bí mật của chính phủ và ngành công nghiệp quốc phòng cũng đang thực sự trở thành hiểm họa mới của nước Mỹ.

Trong khi đó Iran và CHDCND Triều Tiên cũng tiến hành các cuộc tấn công mạng vào nước Mỹ.

Tình báo Mỹ tin chắc rằng khả năng al-Qaeda tấn công vào các mục tiêu của Mỹ ở nước ngoài đang ngày càng gia tăng. Đó chính là các chiến binh thánh chiến từ Syria, Iraq, Yemen và một số quốc gia Bắc Phi khác. Tuy nhiên, ông trùm tình báo Mỹ James Clapper cũng thừa nhận sự lúng túng trước câu hỏi về mức độ nguy cơ của khủng bố nhằm vào nước Mỹ so với năm 2001 và cho rằng không dễ để có được đáp áp đúng cho câu hỏi này.    

Bản báo cáo thường niên cũng dành nhiều trang nói về tình hình xấu đi tại Syria trong thời gian ba năm qua. Tại quốc gia này đã tập hợp từ 75.000 đến 110.000 "quân ô hợp" trong cái gọi là Lực lượng đối lập có vũ trang chống lại quân chính phủ Syria.

Báo cáo cũng cho rằng khi mà vấn đề hạt nhân của Iran còn chưa được giải quyết thì thể chế ở Syria cũng đang tấp tểnh sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt, vũ khí sinh học... Tuy nhiên Mỹ chưa có trong tay bằng chứng xác thực về điều này. Đó là chưa kể vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cũng đang nóng lên với việc nước này đang tăng cường các hoạt động hạt nhân của mình, khi tiếp tục làm giàu uranium và tái khởi động lò phản ứng plutonium Yongbyon.

Mỹ ghi nhận việc Nga tiếp tục hợp tác với Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề như: vũ khí hóa học tại Syria, tình hình Afghanistan, vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên. Song bên cạnh đó, bản báo cáo cũng lưu ý việc Nga tăng cường tranh giành ảnh hưởng với Liên minh châu Âu tại phương Tây, mà trước tiên thể hiện trong vấn đề Ukraine, hoặc liên kết chặt chẽ hơn với Trung Quốc tại khu vực châu Á.

 
Quế Anh (P/v TTXVN tại LB Nga)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN