Slovakia nối lại nhập khẩu khí đốt từ Liên bang Nga

Slovakia đã bắt đầu nhận khí đốt tự nhiên từ Nga thông qua đường ống TurkStream.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. TTXVN phát

Việc này giúp Slovakia tránh được một cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi Kiev ngừng trung chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine từ đầu năm 2025. Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã xác nhận thông tin này hôm 11/2.

TurkStream, đường ống dẫn khí quan trọng dưới Biển Đen, hiện là tuyến vận chuyển chính đưa khí đốt Nga đến khu vực Nam và Đông Nam châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận trung chuyển với Moskva. Động thái này buộc Slovakia cùng nhiều quốc gia Liên minh châu Âu (EU) khác phải tìm kiếm các tuyến cung ứng thay thế.

Trong một video đăng trên Facebook hôm 11/2, Thủ tướng Fico tuyên bố: "Khí đốt Nga đã bắt đầu hành trình đến Slovakia qua TurkStream", đồng thời ghi nhận nỗ lực hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đảm bảo nguồn cung. Ông nhấn mạnh vai trò của Nga trong việc đảm bảo năng lượng cho Slovakia.

Công ty cung cấp khí đốt nhà nước Slovakia SPP cho biết họ đã bắt đầu nhập khẩu khí đốt qua TurkStream từ ngày 1/2 và dự kiến tăng gấp đôi sản lượng nhập khẩu vào tháng 4 tới.

Slovakia hiện có hợp đồng dài hạn với tập đoàn năng lượng Nga Gazprom và cần từ 4 đến 5 tỷ m³ khí đốt mỗi năm để đáp ứng nhu cầu trong nước. Trước khi Ukraine ngừng trung chuyển, nước này nhận khoảng 3 tỷ m³ khí đốt Nga qua hệ thống đường ống Ukraine.

Ukraine đã chấm dứt thỏa thuận trung chuyển khí đốt kéo dài 5 năm với Gazprom từ đầu năm 2025, cắt đứt nguồn cung khí đốt Nga cho một loạt quốc gia châu Âu gồm Hungary, Romania, Ba Lan, Slovakia, Áo, Italy và Moldova.

Trước đó, các nước này đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong nguồn nhập khẩu khí đốt Nga do các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột Ukraine, cũng như vụ phá hoại đường ống Nord Stream năm 2022, dự án giúp Nga vận chuyển khí đốt sang châu Âu mà không cần qua Ukraine.

Tổng thống Ukraine Zelensky biện hộ cho quyết định này, cho rằng việc chặn khí đốt Nga sẽ làm suy yếu nguồn thu năng lượng của Moskva. Tuy nhiên, Slovakia và Hungary cáo buộc Kiev cố tình tạo ra một cuộc khủng hoảng năng lượng để gây áp lực chính trị lên châu Âu.

Dù tuyến TurkStream giúp Slovakia đảm bảo nguồn cung trước mắt, Thủ tướng Fico cho biết Bratislava vẫn đang tìm kiếm các nguồn thay thế để tăng cường an ninh năng lượng dài hạn.

Hệ thống TurkStream gồm hai nhánh: một phục vụ nhu cầu nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ, nhánh còn lại cung cấp khí đốt cho Bulgaria. Tuyến này tiếp tục kéo dài đến Serbia và Hungary, kết nối các nước EU với nguồn cung khí đốt Nga. Công suất vận chuyển hàng năm của TurkStream đạt 15,75 tỷ m³.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, Bộ Quốc phòng Nga tháng trước cho biết Ukraine đã tấn công một trạm nén khí ở vùng Krasnodar, khu vực cung cấp khí đốt cho TurkStream, bằng 9 thiết bị bay không người lái cảm tử. Phía Moskva tuyên bố phần lớn các cuộc tấn công đã bị đánh chặn, chỉ có một thiết bị bay rơi gần trạm đo khí, gây thiệt hại nhẹ.

Thổ Nhĩ Kỳ sau đó cũng xác nhận vụ tấn công nhưng khẳng định dòng chảy khí đốt qua TurkStream không bị ảnh hưởng.

Với tình hình địa chính trị phức tạp, việc Slovakia chuyển hướng sang TurkStream không chỉ giúp nước này đảm bảo nguồn cung mà còn cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong bức tranh năng lượng châu Âu.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo RT)
Nga cáo buộc Mỹ và Anh đứng sau vụ tấn công đường ống TurkStream
Nga cáo buộc Mỹ và Anh đứng sau vụ tấn công đường ống TurkStream

Nga cáo buộc Mỹ và Anh đứng sau vụ tấn công TurkStream, cho rằng hành động này nhằm phá hoại dự án năng lượng của Nga và thao túng thị trường khí đốt châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN