Đến cuối năm 2022, khoảng 8,4 % dân số thế giới, tương đương 670 triệu người vẫn sống trong nghèo đói cùng cực, qua đó xóa bỏ thành quả 3 năm qua về giảm đói nghèo. Nếu xu hướng hiện nay kéo dài, đến năm 2030, sẽ có 7% dân số thế giới, tương đương 575 triệu người vẫn sống trong cảnh nghèo đói cùng cực và chỉ có 1/3 số quốc gia giảm được một nửa tỷ lệ nghèo đói trong nước. Bên cạnh xung đột, đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, các số liệu cũng đã phản ánh thực trạng thiếu cơ hội việc làm ổn định, bền vững đang là nguyên nhân chính khiến nhiều lao động không thể thoát khỏi vòng xoáy đói nghèo.
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết những người nghèo tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương chủ yếu làm việc trong khu vực phi chính thức - vốn không có đủ việc làm ổn định để đáp ứng nhu cầu của người lao động. Cụ thể, có 50% lực lượng lao động tại khu vực Đông Á làm việc trong khu vực phi chính thức, trong khi con số này tại Đông Nam Á là gần 75% và Nam Á là gần 90%.
Thống kê của LHQ cho thấy trên toàn cầu có 289 triệu người trong độ tuổi 15 - 24 không được tiếp cận giáo dục, đào tạo và việc làm. Trong thập niên tới, ước tính có 1 tỷ người sẽ tham gia vào thị trường lao động, nhưng triển vọng tìm việc làm ổn định và bền vững cho phần lớn trong số họ lại mong manh. Điều này sẽ khiến mục tiêu chấm dứt đói nghèo cùng cực; tạo việc làm đầy đủ, năng suất, công việc tốt cho tất cả mọi người vào năm 2030 - những mục tiêu then chốt của Chương trình nghị sự Phát triển bền vững 2030 - càng trở nên xa vời.
Với chủ đề “Việc làm tốt và Bảo trợ xã hội: Đảm bảo phẩm giá cho tất cả mọi người”, Ngày Quốc tế Xóa đói giảm nghèo (17/10) năm nay kêu gọi thế giới thúc đẩy việc làm ổn định, bảo trợ xã hội nhằm cung cấp mức lương công bằng, điều kiện việc làm an toàn, ghi nhận giá trị của người lao động, từ đó giảm đó nghèo, nâng cao phẩm giá cho tất cả mọi người, hướng tới phát triển bền vững, bởi việc làm là con đường chắc chắn nhất để giảm đói nghèo và bất bình đẳng.
Trên thực tế, trình độ thấp và không được tiếp cận giáo dục đào tạo là một trong những nguyên nhân chính khiến người nghèo khó tìm việc và phải chấp nhận công việc thời vụ, lương thấp. Nhằm giúp người dân dù có trình độ đại học hay không đều có thể tiếp cận đào tạo, giáo dục chất lượng cao, nghề nghiệp ổn định, Chính phủ Mỹ đã triển khai tầm nhìn về “Lộ trình hỗ trợ việc làm tốt”. Lộ trình này bao gồm 4 ưu tiên là kết nối người dân với việc làm tốt; đảm bảo lực lượng lao động trình độ cao và đa dạng; tăng cường giáo dục đào tạo để mỗi cộng đồng đều có thể tự đáp ứng nhu cầu lao động; tạo việc làm chất lượng tốt với thu nhập đủ sống.
Tại Trung Quốc, chế độ bảo trợ xã hội ở nông thôn Trung Quốc được xây dựng vào thập niên 50 thế kỷ XX, trải qua hàng chục năm phát triển, hoàn thiện, đã từng bước hình thành nên cơ chế cứu trợ và phúc lợi xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc nhằm bảo trợ quyền lợi sinh hoạt cơ bản cho người già, trẻ nhỏ, trẻ mồ côi, người tàn tật, người không nơi nương tựa ở nông thôn. Từ ngày được xây dựng và thực hiện đến nay, cơ chế này đã giúp cho nhóm người khó khăn nhất, yếu thế nhất ở nông thôn Trung Quốc hoàn toàn thoát khỏi cảnh ngộ khổ cực không nơi nương tựa trong xã hội Trung Quốc cũ, có được sự bảo trợ cơ bản trong cuộc sống.
Tại Thái Lan, Bộ Lao động đã xây dựng Khung phát triển lao động trong 20 năm (2017-2036) nhằm phát triển lực lượng lao động chất lượng cao hướng tới phát triển bền vững, với 4 giai đoạn là nhân lực sản xuất, lao động đổi mới, lao động sáng tạo và sức mạnh trí tuệ.
Ngoài kỹ năng, thì vấn đề hạ tầng và phân biệt đối xử cũng là những rào cản khiến người nghèo khó tiếp cận việc làm ổn định. Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động tại Ấn Độ đã giảm từ 26% trong năm 2005 xuống 19% vào năm 2021. Khoảng 70% lao động nữ làm những công việc lương thấp như thời vụ hoặc không được trả lương trong gia đình. Trước tình hình này, Chính phủ Ấn Độ đã triển khai chương trình Sứ mệnh sinh kế nông thôn quốc gia nhằm thúc đẩy phụ nữ tìm việc làm qua các nhóm hỗ trợ; Chương trình đảm bảo việc làm nông thôn quốc gia, trong đó thúc đẩy những công việc trả lương 100 ngày cho các lao động không có tay nghề. Những chương trình này đã góp phần giảm đói nghèo, trao thêm quyền cho phụ nữ, tạo thêm thu nhập cho gia đình. Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng với mong muốn tạo thêm việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Tại Việt Nam, xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu trong các chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác xóa đói giảm nghèo thông qua các chương trình đào tạo nghề. Theo thống kê, trong giai đoạn 2016 - 2020, có 38% số hộ đã thoát nghèo và 53% trở thành hộ khá sau khi được hỗ trợ học nghề ngắn hạn; 90% sau học nghề trung cấp, cao đẳng đã có việc làm ổn định, thu nhập tốt, thoát nghèo bền vững. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020, trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,43%.
Bên cạnh việc thúc đẩy việc làm, các hệ thống bảo trợ xã hội cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc giảm nhẹ tác động và giúp nhiều người không rơi vào cảnh đói nghèo. Trong giai đoạn từ tháng 2/2022 - 2/2023, 105 nước đã công bố gần 350 biện pháp bảo trợ xã hội nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng sinh hoạt. Tuy nhiên, theo LHQ, 80% các biện pháp này là ngắn hạn và để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, các nước sẽ cần triển khai hệ thống bảo trợ xã hội bền vững và phổ cập phù hợp cho tất cả mọi người.
Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế xóa đói giảm nghèo, Tổng thư ký LHQ António Guterres khẳng định chấm dứt nghèo đói là thách thức của thời đại, nhưng cũng là thách thức có thể vượt qua. Niềm tin này hoàn toàn có cơ sở bởi các nước đều đang nỗ lực phối hợp để tạo việc làm ổn định, mức lương công bằng, cải thiện chất lượng đời sống cho người dân. Đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm là một trong những giải pháp trọng tâm tạo sinh kế bền vững và ổn định cho người nghèo, giúp họ có thể tự tin hoạch định tương lai và nâng cao phẩm giá.