Singapore đã chủng ngừa COVID-19 cho hơn 350.000 dân

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, tính tới hết ngày 4/3, đã có hơn 350.000 người dân Singapore được tiêm liều thứ nhất vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 80% là nhân viên y tế.

Chú thích ảnh
Một y tá chuẩn bị tiêm vaccine cho các nhân viên y tế tại bệnh viện Gleneagles, Singapore. Ảnh: Reuters

Phát biểu trong cuộc thảo luận của Uỷ ban Ngân sách tại Quốc hội Singapore ngày 5/3, Bộ trưởng Y tế nước này Gan Kim Yong cho biết, trong số 350.000 người được tiêm nói trên, đã có 215.000 người được tiêm mũi vaccine thứ hai. Hiện Singapore đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi và tới nay đã có hơn 40.000 người trên 70 tuổi được tiêm phòng. Nếu nguồn cung ứng vaccine diễn ra theo kế hoạch, Singapore sẽ hoàn thành tiêm chủng cho toàn bộ người dân vào cuối năm 2021.

Bộ trưởng Gan Kim Yong cũng nhấn mạnh Singapore đang đạt được tiến triển tích cực trong chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Chỉ các loại vaccine đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn và mức độ hiệu quả mới được sử dụng cho người dân Singapore.

Tới nay, Singapore đã cấp phép sử dụng tạm thời cho 2 loại vaccine ngừa COVID-19 là vaccine của Pfizer (Mỹ)-BioNTech (Đức) và Moderna (Mỹ). Singapore đã nhận lô vaccine Sinovac đầu tiên từ Trung Quốc ngày 24/2 vừa qua, tuy nhiên vẫn đang chờ Sinovac Biotech gửi các thông tin cần thiết để đánh giá mức độ an toàn và tính hiểu quả trước khi cấp phép sử dụng.

* Bộ Y tế Đan Mạch ngày 5/3 cho biết sẽ khuyến nghị tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford cho mọi người dân trên 18 tuổi. Trước đó, cơ quan này chỉ khuyến nghị sử dụng vaccine này chủng ngừa cho người dưới 65 tuổi, cho biết sẽ đợi có thêm những dữ liệu về độ hiệu quả của vaccine này trong nhóm người cao tuổi.

Khuyến nghị mới được đưa ra sau khi một nghiên cứu từ Scotland (Anh) được công bố cho thấy kết quả tích cực của vaccine nói trên đối với tất cả các lứa tuổi, theo đó giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng do mắc COVID-19. Theo nghiên cứu này, hầu hết người cao tuổi ở Scotland đều được tiêm vaccine của AstraZeneca/Đại học Oxford. 

Khi vaccine của AstraZeneca/Đại học Oxford được Liên minh châu Âu (EU) cấp phép sử dụng vào đầu năm nay, nhiều nước EU, trong đó có Pháp, Đức, Italy cho rằng không nên sử dụng vaccine này chủng ngừa cho người cao tuổi, với lý do chưa đủ dữ liệu. Tuy nhiên, Pháp và các nước khác hiện đã cho phép tiêm vaccine này cho người cao tuổi sau khi nghiên cứu trên được công bố.

* Ngày 5/3, Tổng thống Moldova Maia Sandu tuyên bố nước này đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên tiếp nhận vaccine ngừa COVID-19 theo Cơ chế cung cấp vaccine toàn cầu (COVAX) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu.

Trên tài khoản Twitter, Tổng thống Sandu cho biết lô hàng đầu tiên gồm 14.400 liều vaccine đã đến Moldova tối 4/3. 

Moldova và nước láng giềng Ukraine bị tụt hậu so với phần còn lại của "lục địa già" trong việc tiếp cận vaccine ngừa COVID-19.  Tuần trước, Moldova cũng đã tiếp nhận lô vaccine của AstraZeneca. Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Romania Klaus Iohannis cho biết Bucharest sẽ tặng 200.000 liều vaccine cho Moldova nhằm thể hiện tình đoàn kết. 

Tính tới ngày 4/3, Moldova đã ghi nhận 191.197 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.049 ca tử vong.

* Cũng trong ngày 5/3, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết nước này có thể sử dụng cơ chế cấm xuất khẩu vaccine của EU để ngăn việc vận chuyển chế phẩm này ra nước ngoài, tương tự bước đi mà Italy triển khai.

Trước đó một ngày, Italy đã trở thành quốc gia đầu tiên trong EU sử dụng cơ chế cấm xuất khẩu vaccine để ngăn lô hàng 250.000 liều vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford được sản xuất tại Italy xuất khẩu sang Australia. Bộ Ngoại giao Italy cho biết quyết định này được đưa ra "do việc thiếu vaccine thường xuyên tại Italy và EU, sự chậm trễ của hãng dược AstraZeneca trong việc giao hàng cho Italy và EU cũng như số lượng lớn vaccine mà hãng này muốn xuất khẩu". Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Italy cho rằng “Australia không được coi là quốc gia đang gặp nhiều khó khăn”.

Trả lời hãng truyền hình BFM về việc Pháp có "nối gót" Italy trong vấn đề này, Bộ trưởng Veran trả lời: "Chúng tôi có thể".

Tại EU, AstraZeneca có các cơ sở sản xuất vaccine đặt tại Hà Lan, Bỉ, Đức và Italy. Hiện tại, sau hơn 3 tháng triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19, các nước EU đang có dấu hiệu rơi vào tình trạng hỗn loạn do thiếu hụt nguồn cung vaccine, khiến chỉ có khoảng trên 10% dân số EU được tiêm vaccine, trong khi con số này tại Anh là trên 30%.

Lê Dương - Phương Oanh (TTXVN)
Thái Lan sẽ cấp sổ tiêm chủng ngừa COVID-19 cho người dân
Thái Lan sẽ cấp sổ tiêm chủng ngừa COVID-19 cho người dân

Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul ngày 4/3 cho biết những người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở nước này sẽ được cấp một cuốn sổ để sử dụng cho việc đi lại và nâng cao niềm tin của công chúng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN