Singapore cho phép hơn 260.0000 lao động nước ngoài trở lại làm việc

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, Bộ Nhân lực Singapore (MOM) cho biết khoảng 265.000 lao động nước ngoài, chủ yếu làm trong lĩnh vực xây dựng, sửa chữa tàu biển và lĩnh vực chế biến…, đủ điều kiện được chấp thuận quay trở lại làm việc. Trong số này, khoảng 180.000 người là công nhân sống trong các khu ký túc xá. 

Chú thích ảnh
 Người lao động nhập cư tại một khu ký túc xá ở Singapore, ngày 19/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Singapore (MOH) cũng khẳng định các cơ quan chức năng đang tích cực tiến hành các biện pháp khử trùng để đảm bảo tất cả khu ký túc xá công nhân nước ngoài không còn virus SARS-CoV-2 trước ngày 7/8 tới. Tuy nhiên, còn 17 khu nhà ở cách biệt tại 8 khu ký túc xá phức hợp sẽ tiếp tục được sử dụng làm các cơ sở cách ly. Hiện các khu nhà này đang tiếp nhận 9.700 công nhân. 

Tính đến hết ngày 3/8, tổng cộng có khoảng 273.000 công nhân nước ngoài (chiếm khoảng 90% công nhân nước ngoài trong các khu ký túc xá) đã hồi phục hoàn toàn hoặc đã được xét nghiệm và có kết quả không mắc COVID-19. MOM cho biết nhiều người trong số họ có thể quay trở lại làm việc khi những người quản lý khu ký túc, các nhà tuyển dụng và người lao động có sự chuẩn bị cần thiết để giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm mới. Người lao động được phép quay trở lại làm việc sẽ được nhận một “mã code truy cập xanh” trên ứng dụng SGWorkPass và sẽ phải cài đặt một ứng dụng để cập nhật tình trạng sức khỏe thường xuyên.

Cùng ngày, truyền thông Campuchia đưa tin nhà chức trách Thái Lan đã chuẩn bị đón nhận lại lao động người Campuchia khi Thái Lan chuẩn bị bước sang giai đoạn 7 của kế hoạch nới lỏng lệnh phong tỏa do dịch COVID-19. Theo giai đoạn tiếp theo của việc mở cửa trở lại, lao động di cư từ Campuchia, Myanmar và Lào sẽ được phép vào Thái Lan để làm việc theo các quy định về kiểm soát dịch bệnh. 

Tại cửa khẩu Aranyaprathet thuộc tỉnh Sa Kaeo (Thái Lan), giáp tỉnh Banteay Meanchey (Campuchia), các nhân viên y tế, cảnh sát di trú và lực lượng hải quan Thái Lan đã phối hợp để thực hiện lệnh cách ly 14 ngày, kiểm tra giấy khám sức khỏe và thực hiện các thủ tục về truy dấu liên lạc. 
  Việc thực hiện giai đoạn 7 kế hoạch nới lỏng phong tỏa cũng sẽ cho phép các chợ biên giới được nối lại hoạt động. Trong những tuần qua, truyền thông Thái Lan đưa tin có hàng trăm lao động di cư nước ngoài đã bị bắt giữ khi tìm cách nhập cảnh bất hợp pháp vào Thái Lan. 

Trước đó, ngày 4/8, Nội các Thái Lan đã thông qua kế hoạch của Bộ Lao động cho phép hơn 500.000 lao động nước ngoài có giấy tờ hợp pháp tiếp tục ở lại làm việc cho tới cuối tháng 3/2022. Phó Phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Rachada Dhnadirek cho biết việc thông qua nói trên được thực hiện theo những hướng dẫn mới của chính phủ về quản lý lao động di cư từ Campuchia, Lào và Myanmar trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Những hướng dẫn của Bộ Lao động nhằm mục đích đảm bảo Thái Lan vẫn duy trì được lực lượng lao động cần thiết để củng cố nền kinh tế, nhưng cũng giảm bớt rủi ro lây nhiễm COVID-19 từ những người nước ngoài.

Về phía Campuchia, tình trạng người lao động không thể sang Thái Lan làm việc cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lượng kiều hối gửi về nước. Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Campuchia có thể mất hơn 15% lượng kiều hối trong năm 2020 trong kịch bản xấu nhất do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Thế Vũ - Trần Long (TTXVN)
Hàn Quốc cân nhắc gia hạn thị thực cho lao động nước ngoài
Hàn Quốc cân nhắc gia hạn thị thực cho lao động nước ngoài

Ngày 29/7, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết nước này sẽ cân nhắc phương án gia hạn giấy phép lưu trú cho lao động nước ngoài tại đây để giảm bớt tình trạng thiếu lao động trong ngành nông nghiệp và các ngành khác trong đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN