Serbia, từ những đống đổ nát của chiến tranh

Marja nói rằng, bà không bao giờ có thể quên được những ngày kinh hoàng đó. "Tôi bị hất tung lên sau một loạt bom và bị thương ở chân", bà nói với tôi trước tòa nhà của mình trên đường Kneza Milosa, chỉ cách trụ sở của Cảnh sát liên bang Nam Tư chừng 200 m, nơi đống đổ nát của những ngày NATO không kích Belgrade 17 năm về trước vẫn còn đó. "Đêm nào chúng tôi cũng ở dưới hầm. Không ai biết hôm sau, bom và tên lửa NATO sẽ rơi xuống đâu".

Người phụ nữ phúc hậu là giáo sư lịch sử ấy là một trong số hàng nghìn, hàng vạn nhân chứng trực tiếp của 78 ngày đêm bom và tên lửa NATO rơi xuống Belgrade và nhiều thành phố, làng mạc, khu công nghiệp, nhà máy trên lãnh thổ Serbia. Tòa nhà mà bà và gia đình đã ở từ gần 40 năm qua không phải là một mục tiêu quân sự mà NATO nhắm đến, mà là trụ sở của Bộ Nội vụ Nam Tư cách đó không xa, chếch sang bên kia đường. 

Dấu tích đổ nát còn lại tại trụ sở Bộ Nội vụ Nam Tư (cũ) ở Belgrade sau các trận ném bom năm 1999.

Ở đó, một tòa nhà cháy đen, với các cửa kính vỡ nát, các thanh xà và kèo cột cháy cong và bị bẻ gãy, đã sừng sững ở đó từ ngày trúng một tên lửa hành trình cách đây gần 17 năm. Dưới những bông tuyết đang hối hả rơi xuống trong một ngày lạnh lẽo, gió rít trên những con phố, khối đen ấy hòa cùng với tuyết tạo thành một bức hình đen trắng buồn bã về một thời quá khứ mà chính phủ Serbia vẫn muốn gìn giữ, như một sự nhắc nhở về những gì đã xảy ra trong chuỗi ngày đó, khiến hơn 20.000 dân thường chết và bị thương, đồng thời gây thiệt hại ước tính hơn 100 tỉ USD cho Nam Tư (lúc đó chỉ còn gồm Serbia và Montenegro, sau khi các nước cộng hòa khác tuyên bố độc lập).

Cách đó chừng một cây số, tiếp tục những đống đổ nát còn lớn hơn thế. Tòa nhà của Bộ Quốc phòng Nam Tư là một chứng tích khác của của những cuộc không kích ngày đó. Trúng hàng loạt tên lửa hành trình trong đêm 7/5/1999, một trong những đêm tàn khốc nhất của 11 tuần không kích, tòa nhà bị cắt làm đôi, oằn vụn ở nhiều nơi và đã bị bỏ hoang phế kể từ ngày đó. Hàng năm, vào ngày 31/3, ngày bắt đầu của chiến dịch không kích 17 năm về trước, hai tháng sau khi phương Tây tố cáo Quân đội và Cảnh sát Nam Tư đã gây ra thảm sát đối với dân thường gốc Albania ở Kosovo, một lời tố cáo sau đó được chứng minh là dối trá, những lễ cầu nguyện và tưởng niệm được tổ chức ở nơi đây. Nhưng những cuộc tưởng niệm gần đây, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Aleksandar Vucic, mang một ý nghĩa khác. Trong cuộc tưởng niệm tháng 3/2015, ông nói Serbia sẽ không bao giờ quên các nạn nhân của những ngày tháng ấy, không bao giờ quên những nỗi đau mà người Serbia đã trải qua, nhưng mục tiêu lớn của Serbia là gia nhập EU. "Serbia trong EU là chiến thắng của chúng ta", ông nói.

Bia tưởng niệm 16 phóng viên, nhân viên, kĩ thuật viên của Đài Phát thanh và Truyền hình Serbia (RTS) thiệt mạng sau một trận ném bom của NATO năm 1999.

Hướng đến EU, giải quyết vấn đề Kosovo, cho đến giờ vẫn là một nỗi đau, một sự mất mát của Serbia, trở thành những ưu tiên lớn lao của một đất nước mà sau những cuộc không kích vào năm 1999, chợt nhận ra rằng, họ đã mất đi rất nhiều thứ, bị cô lập, chia rẽ, và trở thành nước bị thiệt hại nặng nề bậc nhất trong cuộc nội chiến. Slovenia và Croatia, những nước cộng hòa có nền công nghiệp phát triển nhất thuộc Liên bang Nam Tư trước kia nhanh chóng lao vào dòng chảy của châu Âu hiện đại và giờ đã trở thành thành viên của EU và NATO. Sự chênh lệch trong mức sống và cơ sở hạ tầng giữa hai nước đó với Serbia có thể nhìn thấy được. Những khu đổ nát tan hoang của 78 ngày đêm không kích ngày trước đã được thay thế bằng những tòa nhà, con đường, cây cầu mới và thế hệ thanh niên mới bây giờ không sống trong trạng thái chông chênh như nhiều người ở tuổi trung niên như bà Marja nữa.

Dragan Djanjic, một nhà phân tích chính trị nổi tiếng người Serbia, đã nói với một nhật báo của Italy rằng, đối với nhiều người Serbia, nước Nga vẫn là bạn, là nước cung cấp khí đốt và dầu mỏ chủ yếu, một người đồng minh lớn và gần gũi trên nhiều khía cạnh, từ văn hóa, ngôn ngữ theo hệ Slave cho đến tôn giáo (đạo Chính thống), nhưng sau khi Nam Tư tan rã, người Serbia mong muốn có được sự giàu có và phát triển mà chỉ phương Tây mới có thể đem lại. Chấp nhận điều đó cũng có nghĩa là phải gạt bỏ sang bên niềm tự hào dân tộc bị tổn thương, phải làm quen với một sự thật là tỉnh Kosovo, nơi được coi là thánh địa của dân tộc Serbia, sẽ vĩnh viễn không thể lấy lại được và những gì còn lại của những vụ ném bom năm 1999 ở Belgrade và nhiều nơi trên đất Serbia chỉ còn là một sự nhắc nhở rằng, đừng quên quá khứ.

Chính vì những kí ức đau buồn và cả tâm trạng giằng xé đông-tây như tôi đã từng thấy ở Ukraine mấy năm trước khi xảy ra những biến cố lớn lao dẫn đến nội chiến và chia cắt lãnh thổ, mà không phải ai ở Belgrade này cũng sẵn sàng nhắc tới những kí ức 1999 như Marja. Rất nhiều những người tôi gặp trên những con phố của Belgrade vào một ngày đông tuyết rơi từ chối nói đến quá khứ. Mario, một thanh niên còn rất trẻ và vào thời điểm bom đang rơi xuống Belgrade vẫn còn là một đứa trẻ 10 tuổi, nói rằng, giờ không phải lúc nhắc đến những điều đó nữa. "Giới trẻ chúng tôi chỉ hướng đến tương lai", cậu nói. "Mà tôi cũng không muốn bình luận gì về các vụ ném bom của năm 1999, vì tôi đang làm việc cho một công ty của Đức. Ông chủ của tôi chắc chắn không thích điều này". Năm 1999 ấy, Đức là một trong số những nước hăng hái nhất trong khối NATO tiến hành không kích Nam Tư, một quốc gia có chủ quyền và không hề thể hiện một mối đe dọa nào tới các thành viên của khối, trong một hành động quân sự mà không cần sự chấp thuận của HĐBA LHQ, với lí do "ngăn chặn thảm họa nhân đạo" ở Kosovo...

"Chúng tôi sẽ không bao giờ quên những gì đã xảy ra ngày đó", bà Marja nói, "sẽ có một ngày nào đó, thế giới hiểu được những sự thật liên quan đến những điều lừa dối mà phương Tây đã tạo ra để tấn công Nam Tư năm 1999, và hưởng lợi từ cuộc nội chiến trên lãnh thổ Nam Tư". Một cơn gió cuốn theo tuyết rít lên trên phố Kneza Milosa, khiến những lỗ hổng toang hoác từ các cửa sổ tan tành của khu nhà đổ nát của Bộ Nội vụ Nam Tư càng trở nên lạnh lẽo. Một tấm quảng cáo lớn gần đó với gương mặt của Novak Djokovic, cây vợt đang làm rạng danh Serbia trên thế giới, rung lên phần phật. Đấy là những hình ảnh tương phản của Serbia, giữa quá khứ và hiện tại. Slovenia và Croatia đã tiến những bước rất xa để hòa nhập vào thế giới phương Tây, Serbia thì chưa và đang cố gắng đi trên con đường ấy, trong một cuộc chơi đang diễn ra giữa Brussels và Moskva.

Tôi đứng lặng hồi lâu trước tấm bia tưởng niệm 16 phóng viên, nhân viên, kĩ thuật viên của Đài Phát thanh và Truyền hình Serbia (RTS) đã thiệt mạng đêm 23/4/1999, khi một tên lửa hành trình trúng vào trụ sở của đài tại Belgrade. Khu studio cháy đen ấy vẫn được để lại, như một chứng tích của chiến tranh. Tòa nhà sản xuất chương trình mới đã được xây lên quanh đó, bề thế và đồ sộ, nhưng hình ảnh của khối nhà trúng tên lửa trong khung cảnh ấy chẳng khác một vết mực đen trên tấm thảm trắng. Dòng chữ lớn bằng tiếng Serbia "Zasto?" (Tại sao?) phía trên tên của 16 người đã chết là một câu hỏi lớn mà rất nhiều người, không chỉ Serbia, mà cả Bosnia, Croatia, Slovenia, Kosovo, Montenegro và Macedonia đã đặt ra trong những năm tháng nội chiến và cả sau này. Hơn 140.000 người đã chết trong nội chiến ở Nam Tư, và nỗi đau của nhiều gia đình trên lãnh thổ Nam Tư chưa được hàn gắn.

Zasto? Thời gian sẽ trả lời.
Trương Anh Ngọc (Từ Belgrade, Serbia)
Serbia đóng cửa hãng thông tấn Tanjug
Serbia đóng cửa hãng thông tấn Tanjug

Ngày 4/11, Bộ Văn hóa Serbia cho biết Chính phủ nước này sẽ đóng cửa hãng thông tấn Tanjug đã tồn tại 72 năm qua sau 2 lần nỗ lực tư nhân hóa thất bại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN