Theo phóng viên TTXVN tại CH Séc, ngày 19/1 tại Praha, sau phiên họp của Chính phủ Séc Thủ tướng Bohuslav Sobotka đã tuyên bố: "Chính phủ Séc ủng hộ gói đề xuất của Ủy ban châu Âu về việc tăng cường bảo bệ các đường biên giới bên ngoài khu vực Schengen của Liên minh châu Âu (EU). CH Séc đã đưa ra ý tưởng này ở cấp EU ngay từ đầu cuộc khủng hoảng di cư".
CH Séc tăng cường bảo vệ đường biên giới chống nhập cư trái phép. Ảnh: jindrichohradecky.denik.cz |
Đài Radio Praha cho biết, trong gói đề xuất nói trên có việc thành lập đơn vị biên phòng và bảo vệ bờ biển chung châu Âu gồm 1.500 người thuộc nhiều nước, kể cả CH Séc. Dự kiến giấy thông hành châu Âu sẽ được áp dụng dành cho tất cả những người nhập cư không được công nhận là người tỵ nạn, chẳng hạn như những người nhập cư vì mục đích kinh tế.
Các thành viên của Chính phủ Séc rất đồng thuận trong việc thông qua gói đề xuất của Ủy ban châu Âu nhằm tăng cường bảo vệ đường biên khu vực Schengen để chống lại làn sóng nhập cư. Vấn đề đóng cửa hoàn toàn các đường biên giới EU không được Chính phủ Séc thảo luận vì điều này được coi là không có tính khả thi. Có khả năng các biện pháp siết chặt bảo vệ các đường biên giới bên ngoài khu vực Schengen sẽ được áp dụng trong vài ba tháng tới.
Trong phiên họp khác cùng ngày 19/1 tại Praha các bộ trưởng nội vụ của "Bộ tứ Visegrad" (gồm Séc, Slovakia, Ba Lan và Hungary) cũng đã bàn về việc tăng cường bảo vệ các đường biên giới bên ngoài của khu vực Schengen. Trước khi bắt đầu phiên họp Bộ trưởng Nội vụ Séc Milan Chovanec cho biết, CH Séc đang áp dụng những biện pháp sẵn sàng đối phó với tình trạng khẩn cấp liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư.
Ông nhấn mạnh: "Chính phủ Séc đang kiểm tra các thiết bị biên phòng ở biên giới với Áo, Slovakia, Ba Lan và Đức. Trong vòng 5 giờ CH Séc dù không thể đóng chặt nhưng có thể kiểm soát tốt các đường biên giới của mình bằng cách tăng cường tuần tra đường biên với Áo".
Bộ trưởng nội vụ các nước thuộc "Bộ tứ Visegrad" một lần nữa lại phản bác sự phân bổ hạn ngạch người tỵ nạn do Liên minh châu Âu (EU) áp đặt. Họ cho rằng việc tăng cường kiểm soát các đường biên giới bên ngoài khu vực Schengen có tác dụng hơn trong việc ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp.
Trước đó, ngày 18/1 tại Praha Hội đồng An ninh Séc đã thảo luận về mức độ nguy cơ đối với an ninh nước này từ làn sóng nhập cư, gói các biện pháp chống khủng bố. Các thành viên của Hội đồng An ninh đã xem xét vấn đề bảo đảm an ninh nước nhà trong kế hoạch trung hạn và ngắn hạn, bao gồm cả các vấn đề khủng bố, nhập cư, tư tưởng cực đoan trong nước, sự ổn định kinh tế, sự độc lập về năng lượng cũng như quy mô ảnh hưởng của các nước khác trên lãnh thổ CH Séc. Hội đồng An ninh Séc đã đưa ra quy định về cảnh báo nguy cơ khủng bố gồm bốn cấp độ.
* EC cảnh báo nguy cơ khối Schengen tan rã
Ngày 19/1, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cảnh báo châu Âu còn “chưa đầy hai tháng” để kiểm soát cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay, nếu không khối Schegen sẽ sụp đổ. Phát biểu tại Nghị viện châu Âu, ông Tusk nói: “Chúng ta còn chưa đầy hai tháng để kiểm soát vấn đề này. Nếu không, khối Schengen sẽ sụp đổ”. Ngoài ra, ông Tusk cũng cho rằng nếu không thể kiểm soát phù hợp các đường biên giới ngoài của mình, Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ thất bại với tư cách là một thực thể chính trị.
EU hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng người di cư lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, với hơn 1 triệu người tị nạn và di cư đến liên minh này chỉ trong năm ngoái.
Trong khi đó, người phát ngôn cảnh sát Áo, ông Fritz Grundnig cùng ngày thông báo quân đội nước này sẽ bắt đầu tiến hành việc nhận dạng và kiểm tra hành lý của tất cả người di cư tới khu vực cửa khẩu chính giữa Áo và Slovenia từ ngày 20/1. Theo ông Fritz Grundnig, khoảng 500 binh sĩ được triển khai mới sẽ hỗ trợ cảnh sát trong quá trình xử lý lên tới 6.000 người di cư mỗi ngày tại cửa khẩu Spielfeld thuộc bang miền Nam Styria.
Ngày 16/1, Thủ tướng Áo Werner Faymann đã tuyên bố tạm ngừng thực thi hiệp ước Schengen về miễn thị thực giữa 22 nước thành viên EU và 4 quốc gia ngoài EU. Ông Faymann nhấn mạnh Áo sẽ siết chặt kiểm soát biên giới, và sẽ kiểm tra từng người một nhập cảnh nước này, đặc biệt là sẽ tăng cường kiểm tra người di cư và sẽ trục xuất những người không có quyền tị nạn.
Trước Áo, Đan Mạch và Thụy Điển cũng đã siết chặt kiểm soát người nhập cảnh vì lo ngại các nguy cơ mất an ninh do dòng người di cư ồ ạt. Những thực tế này cho thấy hiệp định Schengen, vốn xóa nhòa biên giới cho người dân đi lại giữa 22 nước thành viên EU) và 4 quốc gia ngoài EU, đang dần mất hiệu lực, khiến không ít ý kiến các nước khu vực, trong đó có Đức lo ngại. Thỏa thuận Schengen về tự do đi lại vốn được coi là "nguyên tắc quan trọng” và là một trong những “thành tựu” lớn nhất của EU.