EU bàn vấn đề di cư và giữ chân Anh ở lại

Hội nghị Thượng đỉnh cuối cùng trong năm 2015 của Liên minh châu Âu (EU) vừa kết thúc với việc thống nhất tăng cường hạn chế làn sóng người nhập cư và tìm giải pháp giữ chân Vương quốc Anh trong EU.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tại hội nghị ngày 18/12. Ảnh: AFP-TTXVN

Phát biểu với báo giới sau khi kết thúc hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết, lãnh đạo 28 quốc gia EU đã nhấn mạnh sự cấp thiết tăng cường trao đổi thông tin, cũng như tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tình báo các nước châu Âu, điều mà các nhà lãnh đạo các nước EU đã cam kết từ hồi tháng 2/2015. Trong kết luận của hội nghị, các nhà lãnh đạo EU nhận định: các quốc gia thành viên cần triển khai kiểm soát biên giới bên ngoài một cách đồng bộ và phối hợp, bao gồm cả với công dân các quốc gia EU. Đồng thời, EU sẽ tăng cường khẩn cấp việc hợp tác với các đối tác Bắc Phi, Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Tây Balkan trong cuộc chiến chống khủng bố.


Các nhà lãnh đạo 28 quốc gia EU cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát biên giới bên ngoài nhằm bảo vệ sự toàn vẹn của khối Schengen, cũng như tăng cường các biện pháp để ngăn chặn dòng người nhập cư đang đổ dồn về "lục địa già". Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cũng nhất trí lùi quyết định thành lập “lực lượng biên phòng và tuần tra biển của châu Âu” tới nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng châu Âu luân phiên của Hà Lan được bắt đầu từ tháng 1/2016.


Trong khi đó, phát biểu với báo giới trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh EU, Thủ tướng Bỉ Charles Michel nhấn mạnh kế hoạch kiểm soát viên giới bên ngoài châu Âu cần phải triển khai trên thực tế chứ không phải chỉ là quyết định trên giấy. Thủ tướng Charles Michel coi việc kiểm soát biên giới, ngăn chặn dòng người nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ sang châu Âu như một ưu tiên trong mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này cũng đã được bàn luận tại Hội nghị Thượng đỉnh “thu nhỏ” giữa 8 quốc gia trong EU và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu diễn ra trước phiên họp chính thức hôm 17/12.


Về vấn đề này, Thủ tướng Hy Lạp nhấn mạnh đây là thời điểm để hợp tác, trong khi Hy Lạp bị chỉ trích mạnh mẽ chậm trễ trong việc tiến hành kiểm soát biên giới quốc gia của mình đến nỗi bị đe dọa sẽ bị loại khỏi khu vực Schengen. EC đề xuất thành lập lực lượng phản ứng nhanh mới với 1.500 binh sĩ, có quyền can thiệp vào các nước thành viên EU nếu nhận thấy các nước này không đối phó được hoặc thất bại trong việc bảo đảm an ninh tại biên giới. Nếu được nghị viện của các nước thành viên thông qua, lực lượng mới này sẽ thay thế cho Cơ quan kiểm soát biên phòng châu Âu (Frontex) và sẽ tiếp tục mở rộng quân số. Chi phí cho lực lượng mới sẽ lên tới 322 triệu euro từ nay đến năm 2020.


Liên quan đến vấn đề "Brexit" (Anh rời EU), các nhà lãnh đạo châu Âu bày tỏ thiện chí “nhượng bộ” với những yêu cầu của London để giữ chân Vương quốc Anh ở lại EU với giải pháp “thỏa đáng và cùng có lợi cho các bên”. Việc thảo luận sẽ được tiến hành tại Hội nghị Thượng đỉnh EU vào tháng 2/2016. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, EU sẵn sàng nhượng bộ với Anh nhưng trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc cơ bản của châu Âu, bao gồm cả việc không phân biệt và tự do đi lại. Trước đó, trong bức thư gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hồi tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Anh David Cameron yêu cầu EU vận động ủng hộ việc giữ Anh ở lại EU tại cuộc trưng cầu dân ý mà ông hứa sẽ tiến hành trong thời gian từ nay đến cuối năm 2017. Để hạn chế dòng người nhập cư, Thủ tướng Anh đòi hỏi xóa bỏ trợ cấp xã hội cho người nhập cư châu Âu trong bốn năm đầu cư trú tại Anh, cấm người lao động châu Âu chuyển tiền trợ cấp ra nước ngoài. Thủ tướng Cameron cũng bày tỏ ý định bãi bỏ luật Anh yêu cầu tòa án áp dụng các điều khoản của Tòa án nhân quyền châu Âu ở Strasbourg. Tổng thống Pháp François Hollande bày tỏ sẵn sàng chấp nhận những đề nghị “điều chỉnh” của Anh trên nguyên tắc “tôn trọng quy định và thành quả của châu Âu”. Tuy nhiên, nhóm Visagrad - gồm Ba Lan, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc - khẳng định không chấp nhận mọi đề nghị của Anh và coi đó như hành động phân biệt và hạn chế tự do đi lại.


Hương Giang (P/v TTXVN tại Bỉ)
EU họp hội nghị thượng đỉnh cuối cùng trong năm 2015
EU họp hội nghị thượng đỉnh cuối cùng trong năm 2015

Cuộc khủng hoảng di cư và kiến nghị của Anh yêu cầu cải cách Liên minh châu Âu (EU) là những chủ đề chính được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh của khối này diễn ra trong hai ngày 17 và 18/12 tại thủ đô Brussels, Bỉ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN