Saudi Arabia và Kuwait nhất trí nối lại hoạt động sản xuất dầu mỏ chung

Ngày 24/12, Saudi Arabia và Kuwait đã ký thỏa thuận nhằm nối lại việc sản xuất ở hai mỏ dầu chính tại vùng trung lập sau 5 năm ngừng hoạt động do bất đồng.

Chú thích ảnh
Một cơ sở lọc dầu của Aramco ở Saudi Arabia, ngày 20/9/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait Khaled al-Fadhel cho biết nước này đã ký với Saudi Arabia một biên bản ghi nhớ, trong đó bao gồm việc nối lại sản xuất dầu mỏ tại vùng trung lập.

Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước KUNA đưa tin hai nước cũng đã ký thỏa thuận về phân chia ranh giới trên bộ và trên biển tại khu vực trên.

Khafji là một mỏ dầu ngoài khơi do công ty Kuwait Gulf Oil Co. (KGOC) và Aramco Gulf Operations (Saudi Arabia) phối hợp khai thác, trong khi mỏ dầu Wafra do KGOC và Chevron (Saudi Arabia) quản lý.

Trước khi ngừng hoạt động, hai mỏ dầu này có sản lượng 500.000 thùng/ngày và lượng dầu được chia đều giữa Saudi Arabia và Kuwait. Mỏ dầu Khafji đã lần đầu tiên ngừng hoạt động vào tháng 10/2014, tiếp đó là mỏ dầu Wafra sau đó 7 tháng.

Riyadh tuyên bố nguyên nhân của quyết định này là do các vấn đề môi trường. Trong khi đó, Kuwait cáo buộc Saudi Arabia đã đơn phương ngừng sản xuất tại mỏ dầu Khafji, cho rằng nước này có quyền được nhận thông báo trước theo thỏa thuận chung ký năm 1965. Kể từ tháng 6/2015, hai bên đã tiến hành đàm phán để giải quyết bất đồng và nối lại sản xuất.

Thỏa thuận trên được đưa ra trong bối cảnh giá dầu đang phải chịu áp lực từ các nguồn dự trữ dồi dào trên thế giới và tăng trưởng toàn cầu yếu. Việc giá dầu giảm khiến Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh phải cắt giảm sản lượng kể từ tháng tới.

Theo thống kê, sản lượng dầu của Saudi Arabia hiện chưa đến 10 triệu thùng/ngày, trong khi con số này của Kuwait là khoảng 2,7 triệu thùng/ngày.

Đặng Ánh (TTXVN)
10 xu hướng quan trọng nhất trên thị trường dầu mỏ
10 xu hướng quan trọng nhất trên thị trường dầu mỏ

Năm 2019 đã chứng kiến một số sự kiện có thể dự báo trước, như việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga gia hạn thỏa thuận hợp tác hai lần, và cả một sự kiện không thể dự báo là các vụ tấn công hồi tháng 9 vào các cơ sở lọc dầu lớn của Tập đoàn dầu khí Aramco của Saudi Arabia, làm giảm 5% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu mỗi ngày trong nhiều tuần liền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN