Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 ở vương quốc này đã lên đến 12.772 người, trong đó có 114 người tử vong, tăng 5 ca sau 24h. Cũng theo thông báo của Bộ Y tế Saudi Arabia, nước này đã chữa khỏi cho thêm 172 bệnh nhân mắc COVID-19, nâng tổng số ca bình phục lên 1.812 người.
Cùng ngày, Bộ Y tế Qatar cho biết tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở nước này hiện là 7.141 người, sau khi phát hiện thêm 608 ca mắc mới. Đáng chú ý, phần lớn các ca mắc mới là lao động người nước ngoài và hiện đã được đưa đi cách ly. Cũng theo bộ trên, Qatar đã chữa khỏi thêm cho 75 người, nâng tổng số người khỏi bệnh lên thành 689. Trong khi đó, số ca tử vong chỉ tăng thêm 1 người, lên thành 10 người tính đến thời điểm này.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Y tế Fahrettin Koca cho hay dịch COVID-19 đã nằm trong tầm kiểm soát, khi số liệu thống kê cho thấy trong ngày 22/4 chỉ có thêm 117 người tử vong, đưa tổng số trường hợp tử vong lên 2.376 người. Số ca nhiễm mới trong cùng thời điểm được ghi nhận là 3.083 người, nâng tổng số ca mắc bệnh đến nay lên 98.674 trường hợp. Trong khi đó, số bệnh nhận bình phục và ra viện là 16.477 người, tổng số trường hợp đã được xét nghiệm là 37.535 người.
Cũng trong ngày 22/4, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ghi nhận thêm 483 ca mắc COVID-19, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên tới 8.238. Theo nhà chức trách UAE, các ca nhiễm mới là những người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, tất cả đều đang được điều trị và có điều kiện sức khỏe ổn định. Là quốc gia đầu tiên ở Vùng Vịnh phát hiện các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và có số ca mắc khá cao nhưng đến nay UAE mới có 52 bệnh nhận tử vong do COVID-19.
Tại Iraq, Bộ Y tế nước này xác nhận phát hiện thêm 29 ca nhiễm mới, kéo dài danh sách số người mắc COVID-19 lên thành 1.631 người, trong đó đã có 83 bệnh nhân tử vong.
Ai Cập cũng có thêm 169 người mắc COVID-19 và 12 ca tử vong do căn bệnh nguy hiểm này. Như vậy tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 ở Ai Cập là 3.659 người với 276 người đã tử vong. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi kêu gọi người dân nghiêm túc tuân thủ các biện pháp phòng dịch nhằm tránh để xảy ra những tình huống khó khăn hơn. Trong khi đó, Quốc hội Ai Cập bỏ phiếu thông qua sửa đổi một số điều khoản trong luật quy định về tình trạng khẩn cấp, nhằm trao cho Tổng thống quyền lực lớn hơn trong xử lý những tình huống y tế nghiêm trọng như sự bùng phát của dịch COVID-19.