Saudi Arabia sẽ tiêm phòng COVID-19 bắt buộc cho tất cả lao động

Chính phủ Saudi Arabia thông báo tiêm chủng ngừa COVID-19 bắt buộc sẽ áp dụng cho toàn bộ người lao động trước khi đến nơi làm việc nhằm đảm bảo quay trở lại an toàn và khỏe mạnh.

Chú thích ảnh
Một người phụ nữ chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại thủ đô Riyadh, Saudi Arabia tháng 12/2020. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin RT, trong một dòng thông báo trên mạng xã hội Twitter ngày 7/5, Bộ Lao động và Phát triển Xã hội nước này cho biết: “Tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ là điều kiện bắt buộc cho toàn bộ người lao động trước khi quay trở lại nơi làm việc trong tất cả các lĩnh vực (bao gồm các khối công, tư và phi lợi nhuận)”.

Chính phủ Saudi Arabia kêu gọi tất cả người lao động bắt đầu đăng ký tiêm chủng để đảm bảo việc quay lại nơi làm việc một cách “an toàn và khỏe mạnh”.

Thông báo của bộ trên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và yêu cầu y tế đối với sự an toàn của người lao động. Bộ cho biết sẽ sớm công bố thêm chi tiết về quy trình tiêm chủng và ngày cụ thể quyết định có hiệu lực.

Biện pháp này được đưa ra như một phần trong nỗ lực của Chính phủ Saudi Arabia nhằm hạn chế virus SARS-CoV-2 lây lan. Cho đến nay, Bộ Y tế nước này đã phân phối trên 10 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và tiêm chủng cho gần 29% dân số. Vaccine được sử dụng trong chương trình tiêm chủng tại quốc gia này là vaccine của Pfizer/BioNTech. Mới đây, họ cũng đã cấp phép sử dụng vaccine AstraZeneca và Moderna.

Với khoảng 1.000 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày, tính đến sáng 8/5, Saudi Arabia ghi nhận tổng cộng trên 424.000 ca mắc COVID-19, trong đó có ít nhất 7.000 trường hợp tử vong.

Hồi tháng 4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban hành một báo cáo chính sách về việc tiêm chủng bắt buộc đối với vaccine ngừa COVID-19. Họ cho rằng mặc dù các biện pháp bắt buộc tiêm chủng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng nhưng cũng làm dấy lên lo ngại về đạo đức khi “can thiệp vào quyền tự do và tự chủ của cá nhân”.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Lý giải tranh cãi về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine COVID-19
Lý giải tranh cãi về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine COVID-19

Cả hai phe phản đối và ủng hộ bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine phòng COVID-19 đều đưa ra những lý lẽ "thuyết phục". Tuy nhiên, cuộc tranh cãi vẫn ngày một tăng nhiệt khi khủng hoảng COVID-19 ở các nước nghèo đang trầm trọng hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN