Theo đài RT, trong các cuộc điện đàm riêng, ông Pashinyan đã nói với Tổng thống Putin và Tổng thống Macron về hành động của các lực lượng vũ trang Azerbaijan nhằm vào lãnh thổ có chủ quyền của Armenia và nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần phản ứng thích hợp.
Bộ Quốc phòng Armenia tuyên bố rằng cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự ở các khu vực Sotk, Vardenis, Goris, Kapan, Artanish và Ishkhanasar đã bị pháo kích và đã ghi nhận thương vong.
Armenia cũng khẳng định tuyên bố của phía Azerbaijan nói rằng cuộc pháo kích do Armenia bắt đầu là hoàn toàn sai sự thật.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Azerbaijan đã cáo buộc các nhóm phá hoại người Armenia rải mìn các con đường và cơ sở hạ tầng ở phía biên giới Azerbaijan vào cuối tuần, gây ra một con số thương vong cho quân đội nước này. Azerbaijan cũng bác bỏ các thông tin rằng nước này thực hiện cuộc xâm nhập vào lãnh thổ Armenia.
Truyền thông Armenia đưa tin Nga đã làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn bắt đầu lúc 2 giờ 30 sáng 13/9 (giờ địa phương), nhưng Azerbaijan đã bác bỏ. Cuộc giao tranh vẫn đang diễn ra.
Thủ tướng Armenia cũng đã triệu tập cuộc họp hội đồng an ninh khẩn cấp vào rạng sáng 13/9 để đưa ra các biện pháp đối phó tiếp theo sau hành động của Azerbaijan.
Chính phủ Armenia đưa thông báo sau cuộc họp an ninh quốc gia nói trên: “America quyết định chính thức kiến nghị với Liên bang Nga để thực hiện các điều khoản Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ, cũng như kiến nghị lên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.
Sau quyết định trên, Armenia vẫn chưa gửi kiến nghị chính thức nào và vẫn chưa rõ họ muốn đề nghị được hỗ trợ gì.
Cả Nga và Armenia đều thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) mà các thành viên còn có Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Hai nước này cũng ký Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ.
Armenia và Azerbaijan đã có mâu thuẫn kể từ khi tuyên bố độc lập khỏi Liên bang Xô viết, chủ yếu vì khu vực Nagorno-Karabakh. Đây là khu vực nằm trong Azerbaijan nhưng có phần lớn dân số là người Armenia.
Các cuộc đụng độ vào sáng 13/9 là bước leo thang căng thẳng chính giữa hai quốc gia nói trên. Azerbaijan đã tấn công khu vực Nagorno-Karabakh vào đầu tháng 8 sau khi cáo buộc Armenia vi phạm lệnh ngừng bắn năm 2020 và yêu cầu phi quân sự hóa hoàn toàn khu vực này. Vụ việc đã khiến Nga, quốc gia bảo lãnh cho thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên, lên án.
Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan. Tuy nhiên, khu vực này có phần lớn dân số là người Armenia và đòi độc lập vào những năm 1990. Trên thực tế, khu vực này đã được tự quản và được Armenia hỗ trợ kể từ đó.
Vào năm 2020, Azerbaijan và Armenia đã xảy ra xung đột trong một cuộc chiến kéo dài 44 ngày trong khu vực tranh chấp nói trên. Cuộc xung đột kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian, trong đó lực lượng gìn giữ hòa bình Nga được triển khai tới Nagorno-Karabakh.
Theo lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian, một nửa Nagorno-Karabakh có người Armenia sinh sống được lực lượng gìn giữ hòa bình Nga bảo vệ, còn tất cả các vùng lãnh thổ khác do Armenia kiểm soát trước đây đã được nhượng lại cho Azerbaijan.