Các nhà phân tích cho rằng, những khác biệt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã phơi bày toàn diện tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) cuối tuần qua, khiến hội nghị này lần đầu tiên trong lịch sử không đạt được một thỏa thuận chung.
“Dường như ông Trump sẽ trở nên cứng rắn hơn với Trung Quốc” so với Mexico và Canada, ông Paul Gruenwald, nhà kinh tế học tại công ty tài chính S&P Global Ratings (Mỹ) nhận định. Nhóm 20 nền kinh tế phát triển trên thế giới sắp sửa diễn ra tại Buenos Aires từ ngày 30/11 – 1/12 tới và hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung Quốc sẽ có buổi gặp riêng.
Suốt nhiều tháng, ông Trump lên án Mexico và Canada, cho rằng hai nước này đã lợi dụng các công ty Mỹ trong thương mại, song ba nước đã dễ dàng đạt được một thỏa thuận mới vào cuối tháng 9 thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Tuy nhiên, cách tiếp cận với Trung Quốc lại khác biệt. Ông chủ Nhà Trắng liên tiếp chỉ trích Bắc Kinh đánh cắp tài sản trí tuệ, tạo rào cản ngăn các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở quốc gia này cũng như việc cán cân thương mại giữa hai nước bị chênh lệch quá lớn.
Ông Gruenwald cho biết ông không ngạc nhiên khi Mỹ và Trung Quốc không đạt tiến triển mới tại APEC tổ chức ở Papua New Guinea năm nay. Ông cho rằng G-20 là “một diễn đàn tốt hơn” để thảo luận những vấn đề như vậy.
“Tôi thực sự tin rằng một hành động to lớn sẽ xảy ra ở Argentina trong vài tuần tới nên hãy chờ xem chuyện gì sẽ đến”, chuyên gia Paul Gruenwald trả lời kênh truyền hình CNBC hôm 19/11.
Ở Buenos Aires, hai nhà lãnh đạo dự kiến gặp mặt với chương trình nghị sự tập trung chính vào vấn đề thương mại. Tình trạng căng thẳng giữa Washington – Bắc Kinh đã thống trị các bản tin kinh tế trong năm nay với việc hai bên “ăn miếng trả miếng” đánh thuế lên sản phẩm nhập khẩu của nhau.
Xung đột thương mại leo thang đã dẫn đến việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ mức triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm 2018 và 2019. Với những biện pháp hạn chế thương mại đang được triển khai và đang trong quá trình chuẩn bị, IMF đã dự báo về một kịch bản tồi tệ khi GDP toàn cầu có nguy cơ sụt giảm tới 430 tỷ USD. Ngân hàng Citi (Mỹ) thông báo một số khách hàng lớn nhất của họ đã lập kế hoạch thay đổi các nhân tố trong chuỗi cung ứng để tránh né các lệnh thuế bổ sung đó, bởi họ cho rằng đàm phán Washington – Bắc Kinh sẽ kéo dài hơn một năm.
Lo ngại căng thẳng Mỹ - Trung Quốc sẽ gây cản trở tăng trưởng cũng như làm rung chuyển thị trường toàn cầu, bà Hannah Anderson - nhà chiến lược thị trường toàn cầu tại J.P. Morgan - khuyên các nhà đầu tư nên chuẩn bị tinh thần sự rạn nứt giữa hai gã khổng lồ kinh tế có thể kéo dài.
Bà Hannah nhận định: “Nếu đạt được một thỏa thuận hay xuất hiện các thông tin tích cực bên lề G-20, nhiều khả năng đó là một nỗ lực để hạ nhiệt căng thẳng, đồng thời chỉ mang tính biểu tượng hơn là một thay đổi thực chất để giải quyết căng thẳng thương mại giữa hai nước”.