Sau bạo loạn sẽ là ‘siêu lây nhiễm’ COVID-19 tại Quốc hội Mỹ?

Một số nhà khoa học lo ngại, vụ người biểu tình đột nhập Điện Capitol có thể sẽ là thảm họa siêu lây nhiễm COVID-19 cho các nghị sĩ.

Chú thích ảnh
Đám đông người biểu tình không đeo khẩu trang ngay trước thời điểm chuẩn bị tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1. Ảnh: NYT

Vụ chiếm trụ sở tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1 không chỉ đe dọa sự kiêu hãnh của nền dân chủ Mỹ. Với những nhà khoa học tận mắt theo dõi cảnh tượng được phát trực tiếp trên truyền hình, đám đông người đột nhập không đeo khẩu trang, đi lại tự do ở hành lang và nhiều phòng làm việc riêng tại Quốc hội có thể còn là sự kiện siêu lây nhiễm đại dịch COVID-19. 

Virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh trong không gian kín, đặc biệt là ở những địa điểm tập trung đông người. Virus tồn tại, lơ lửng trong không khí trong thời gian dài. Nên ngay cả khi chỉ một vài người biểu tình cực đoan nhiễm COVID-19, virus sẽ có được cơ hội tuyệt vời để xâm lấn những nạn nhân mới. 

“Vụ việc này có đủ tất cả những nhân tố mà giới khoa học cảnh báo. Mọi người hò hét, hô hào, gào thét – đều là những thứ tạo điều kiện để virus lây lan qua giọt bắn và virus sẽ không bỏ qua những cơ hội này”, Anne Rimoin, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học California ở Los Angeles nhìn nhận. 

Tổng thống Trump có thiên hướng xem nhẹ tính chất nghiêm trọng của đại dịch. Rất nhiều người biểu tình ủng hộ ông đột nhập vào trụ sở Quốc hội không đeo khẩu trang, không có ý thức thực hiện giãn cách xã hội.

Dưới điều kiện như vậy, tụ tập đông người trong không gian kín có thể đã dẫn đến một ổ dịch lây lan nhanh. Khó khăn nằm ở chỗ, rất khó để truy vết nguồn gốc lây nhiễm một khi ổ dịch xuất hiện tại điện Capitol. Đám đông biểu tình đến ở nhiều bang khác nhau, xa thủ đô Washington D.C, trong khi Mỹ vẫn chưa có được phương pháp truy vết hiệu quả. 

Chú thích ảnh
Hạ nghị sĩ Mỹ Paul Gosar (giữa) phát biểu phản đối kết quả bầu cử bang Arizona tại phiên họp lưỡng viện Quốc hội ở Washington D.C, ngày 6/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Những cuộc biểu tình ủng hộ phong trào “The Black Lives Matter” (BLM) diễn ra hồi mùa hè năm nay tại Mỹ cũng từng gây quan ngại tương tự. Nhưng nguy cơ lây nhiễm tại thời điểm được hạn chế một phần, bởi người biểu tình tập trung trên đường phố, trong không gian mở và đa số đeo khẩu trang. Còn vụ người biểu tình tràn vào Quốc hội Mỹ lại khác, kéo theo nguy cơ lây nhiễm cao. 

Theo Tiến sĩ Joshua Barocas, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Boston, trong biến cố vừa qua, đã có ba nhóm lưu lại trong không gian kín với quãng thời gian dài mà không thực hiện được quy định giãn cách, gồm cảnh sát Quốc hội (USCP), người biểu tình và các nghị sĩ Quốc hội. Rất có thể đây sẽ là sự kiện siêu lây nhiễm, nhất là trong bối cảnh tại Mỹ đã xuất hiện biến thể chủng virus lây lan nhanh có nguồn gốc từ Anh.

Một số nhà khoa học đặc biệt lo ngại viễn cảnh nhiều nghị sĩ Quốc hội có thể đã phơi nhiễm với virus. Bởi họ hay những nhân viên thực thi pháp luật có nguy cơ lây sang những người khác khi cùng nhau sơ tán khỏi phòng họp Quốc hội, lánh sang những địa điểm khác trong cùng tòa nhà. Hạ nghị sĩ Cộng hòa LaTurner sáng ngày 7/1 đăng thông báo cho biết có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trước đó, ông đã ở cùng nhiều nghị sĩ khác gần như cả ngày 6/1.

Theo Hạ nghị sĩ Susan Wild, đã có hàng chục nghị sĩ trong số 400 thành viên và nhân viên Quốc hội chạy sang một phòng họp ủy ban nhưng không đeo khẩu trang ngay cả khi được đề nghị, hoặc là đeo không đúng cách. Họ tụ tập trong căn phòng này, với số người tăng lên nhanh chóng, khiến không thể bảo đảm giãn cách. Một số thậm chí còn nói to, la lớn khi bình luận về hành động của người biểu tình. 

Joseph Allen, chuyên gia về chất lượng xây dựng tại Đại học Y tế cộng đồng Harvard T.H. Chan tại Boston nhận định, nguy cơ nhiễm bệnh đối với các nghị sĩ phụ thuộc vào độ thông khí trong những phòng mà họ lánh sang. Nếu phòng được thiết kế để bảo đảm an toàn, sẽ có lưu thông không khí. Nhưng nếu chỉ là nơi nghị sĩ, nhân viên tòa nhà quốc hội chạy tới với suy nghĩ tìm bất cứ điểm nào có thể trú ẩn được, không được thiết kế thông hơi, sẽ chưa thể biết chuyện gì có thể xảy ra. 

Nhiều nghị sĩ trở lại phòng hợp kiểm đếm phiếu đại cử tri sau khi cảnh sát kiểm soát được tình hình, đẩy được người biểu tình ra khỏi khuôn viên tòa nhà Quốc hội. Một số bỏ khẩu trang trước khi phát biểu, một hành động được coi là không chuẩn mực, bởi đây đúng thời điểm mà họ cần phải đeo. Nói với âm lượng lớn có thể phát tán mạnh lượng giọt bắn, khí rung có khả năng mang mầm bệnh. 

Tại thời điểm người biểu tình tràn vào nhà Quốc hội, đại dịch cũng đã tạo ra một cột mốc tổn thất mới: COVID-19 đã cướp đi mạng sống của gần 4.000 người Mỹ trong ngày 6/1. Con số này được cho là sẽ còn gia tăng trong thời gian tới. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (NYT)
Tổng thống Trump đối mặt hậu quả gì sau vụ tấn công Quốc hội Mỹ
Tổng thống Trump đối mặt hậu quả gì sau vụ tấn công Quốc hội Mỹ

Giới phân tích cho rằng di sản của Tổng thống Trump sẽ bị hoen ố mãi mãi, trong khi bản thân ông đối mặt với nguy cơ bị phế truất dù chỉ còn ít ngày là hết nhiệm kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN