“Tất cả người của tôi, họ thích ‘thánh chiến’ và chiến đấu. Vì vậy khi đến Kabul, họ không cảm thấy thoải mái. Không còn bất kỳ cuộc chiến nào ở đây nữa”, Nifiz nói.
Chỉ vài tháng trước, nhóm của Nifiz đã tổ chức nhiều cuộc tấn công vào các tiền đồn và đoàn xe của chính phủ. Còn bây giờ, các tay súng chỉ đứng ở các trạm kiểm soát, khám xét ô tô và kiểm tra giấy tờ đăng ký xe.
Nifiz cho biết: “Nhiều chiến binh của tôi lo lắng rằng họ đã bỏ lỡ cơ hội ‘tử vì đạo’. Tôi phải nói với họ rằng cần thư giãn. Họ vẫn có cơ hội, nhưng sự điều chỉnh này sẽ cần có thời gian”.
Các nhà lãnh đạo Taliban tuyên bố nhóm này đã thay đổi kể từ lần gần đây nhất nắm quyền kiểm soát Afghanistan vào những năm 1990 và cam kết sẽ là một lực lượng cầm quyền khoan dung hơn. Nhưng các cuộc phỏng vấn với hơn 20 chiến binh Taliban, gồm cả các chỉ huy, kể từ khi Kabul thất thủ cho thấy Taliban có mở ra một số thay đổi, nhưng không phải là với những điều đã gắn với một phong trào khét tiếng thực thi luật Hồi giáo hà khắc, chẳng hạn như phân biệt giới tính.
Trong khi hầu hết các lãnh đạo chính trị của Taliban đã gặp gỡ các quan chức nước ngoài trong hơn một thập kỷ đàm phán hòa bình với Mỹ, thì đa số chiến binh của nhóm chỉ biết đến chiến đấu liên miên, trong cuộc chiến mà họ tin rằng sẽ mang đến cho mình cơ hội "lên thiên đường" sau khi chết.
Kết quả là bạo lực và đe dọa vẫn là trọng tâm trong cách Taliban duy trì trật tự, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.
“Công việc mới của chúng tôi rất khác biệt. Đó là một sự thay đổi rất lớn. Nhưng dần dần, mọi người trở nên có kinh nghiệm hơn và vì điều đó mà chúng tôi đang thay đổi”, Nifiz cho hay.
Những người dưới quyền anh ta cũng đồng ý như vậy. Ahmad, một tay súng 19 tuổi, nói: “Chúng tôi tuân theo mệnh lệnh của ban lãnh đạo. Và lãnh đạo cho biết đây là trách nhiệm mới của chúng tôi”.
Nhưng trên thực tế thì nhiều chiến binh thừa nhận họ cảm thấy nhớ nhà, nhớ ngôi làng của mình ở Warkak, quê của Nifiz và đơn vị của anh.
“Ở Wardak, chúng tôi sống giữa mọi người, không giống thế này”, Nifiz nói, chỉ tay về phía khu tổng hành dinh cảnh sát chính phủ, nay là doanh trại mới của đơn vị. Khu phức hợp bao quanh là những lớp tường dày chống đạn, những căn phòng thiết kế kiểu hành chính, với những dãy ghế lớn và giá sách từng đặt nhiều khung ảnh quan chức cấp cao.
Tại trung tâm Kabul, các chỉ huy Taliban cũng mô tả những vấn đề tương tự. Khi những người biểu tình ôn hòa gần đây bị tấn công bởi các chiến binh Taliban được cử đến để giải tán đám đông, phát ngôn viên của Taliban Zabiullah Mujahid giải thích rằng: "Các chiến binh này chưa được đào tạo để đối phó với biểu tình”. Ông Mujahid cũng đưa ra lời giải thích tương tự khi các nhà báo bị đánh thậm tệ.
Ban lãnh đạo Taliban hiện đang chịu áp lực lớn giành lại quyền tiếp cận hàng tỷ USD viện trợ - từng là nguồn kinh phí nuôi sống chính phủ bị lật đổ. Nhiều quốc gia kiểm soát dòng tiền đó tuyên bố, hành động của Taliban liên quan đến quyền con người, quyền phụ nữ và quyền tự do dân sự sẽ là chìa khóa để họ ra quyết định.
Sau khi nắm quyền kiểm soát Afghanistan, Taliban đã tuyên bố các cuộc biểu tình chưa cấp phép là bất hợp pháp, họ cấm phụ nữ làm việc trong hầu hết các lĩnh vực và hạn chế phụ nữ, trẻ em gái tiếp cận giáo dục với lý do lo ngại về an ninh.
Các chiến binh Taliban ngày càng được yêu cầu mặc đồng phục nhiều hơn ở Kabul, một động thái mà lãnh đạo phong trào cho biết sẽ giúp phân biệt họ với những tên tội phạm giả danh. Một trong những đơn vị đầu tiên của Taliban được mặc đồng phục và trang bị như quân đội chuyên nghiệp là Badri 313, đơn vị đã giúp bảo vệ sân bay Kabul trong cuộc không vận hỗn loạn vừa qua của Mỹ.
Chỉ huy hàng đầu của Badri, Saad, cho biết: “Thành viên của đơn vị này được chọn từ những người muốn ‘tử vì đạo’. Họ có những kỹ năng khác nhau. Một số được huấn luyện để sử dụng áo vest cài bom, đánh bom xe hơi hoặc giết người có chủ đích, và một số là những chiến binh ở tiền tuyến, chỉ huy các chiến dịch”.
Gần đây, các chiến binh Badri đã chuyển vào khu phức hợp an ninh cũ bên trong sân bay Kabul. Họ tiến hành phân loại hàng đống đồng phục, mũ bảo hiểm, đồ vệ sinh cá nhân và thực phẩm do lực lượng Mỹ và quân đội chính quyền cũ bỏ lại.
Tay súng Hikmatullah Hafiz, vừa đến Kabul sau khi được chọn gia nhập đơn vị tinh nhuệ Badri, nói khi chỉ tay về bộ đồng phục và các trang bị của mình: “Trước kia tôi là một chiến binh du kích, còn giờ tôi là một người lính. Chúng tôi muốn thế giới chấp nhận rằng chúng tôi là một quân đội hợp pháp, rằng chúng tôi là một phần của một hệ thống có tổ chức".