Nguyên nhân tại nạn được xác định là do các thanh xà, ván chống đỡ trong hầm bị gãy đột ngột do môi trường đất tại đây không ổn định.
Thông tin mới nhất do Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia công bố ngày 27/2 cho biết lực lượng cứu hộ đã phát hiện tổng cộng 3 thi thể và tìm thấy 14 người còn sống trong tình trạng đa chấn thương vào sáng 27/2.
Theo giới chức Indonesia, còn khoảng trên 30 người được cho là bị chôn vùi dưới hầm mỏ và lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian tìm kiếm người mất tích dựa theo âm thanh hồi đáp cầu cứu của các nạn nhân. Hiện chưa rõ số nạn nhân sống sót.
Tuy nhiên, công tác tìm kiếm cứu nạn gặp nhiều khó khăn do môi trường nền đất không ổn định tại khu vực hầm mỏ này. Ngoài ra, các thiết bị tìm kiếm cứu hộ dưới hầm mỏ không được triển khai vì có thể gây nguy hiểm cho các thợ mỏ bị mắc kẹt.
Một quan chức của Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia cho biết lực lượng cứu hộ đang tìm cách chuyển nước uống cho các thợ mỏ bị chôn vùi song lo ngại nếu không xác định chính xác phương hướng và vị trí của thợ mỏ có thể khiến tình hình nghiêm trọng hơn.
Tai nạn sập hầm mỏ thường xuyên xảy ra Indonesia do hoạt động khai thác trái phép khiến nhiều vùng đồi núi bị khoét rỗng làm gia tăng nguy cơ sập đổ và các quy định về an toàn không được tuân thủ.
Tháng 12/2018, một vụ tai nạn hầm mỏ khai thác vàng cũng xảy ra tại khu vực đảo Sulawesi, khiến 5 người thiệt mạng. Trước đó, năm 2015 và 2016, hai vụ tai nạn sập hầm mỏ tại tỉnh Jambi và đảo Java cũng đã cướp đi sinh mạng của 23 người.