Theo ước tính của OIV, sản lượng tại 29 quốc gia chuyên sản xuất rượu vang có thể dao động từ 227 triệu đến 235 triệu hectolit (1 hectolit tương đương 100 lit), chiếm 85% sản lượng toàn cầu. Nếu mức trung bình là 231 triệu hectolit, đồng nghĩa sản lượng năm nay giảm 2% so với năm 2023 và giảm 13% so với mức trung bình của 10 năm trước.
Trong một báo cáo, OIV nhấn mạnh những thách thức về khí hậu một lần nữa là nguyên nhân chính khiến sản lượng rượu vang toàn cầu sụt giảm. Các ước tính sơ bộ cho thấy những thay đổi tiêu cực trong hình thái thời tiết trên khắp các vùng sản xuất rượu vang của Liên minh châu Âu (EU) do biến đổi khí hậu. Tương tự năm 2023, các hiện tượng thời tiết cực đoan hoặc bất thường như sương giá sớm, lượng mưa lớn và hạn hán kéo dài gây tác động đáng kể đến vụ mùa nho, trực tiếp ảnh hưởng đến sản lượng toàn cầu.
Báo cáo cũng nêu rõ sản lượng của châu Âu, chiếm 60% tổng sản lượng toàn cầu, giảm 11%. Sản lượng tại Pháp, nhà sản xuất lớn nhất năm ngoái, giảm khoảng 23% xuống còn 36,9 triệu hectolit và là mức giảm lớn nhất trong ngành. Ngoài nguyên nhân do thời tiết xấu, dịch bệnh cũng khiến năng suất cây nho giảm, ảnh hưởng tới nguồn nguyên liệu sản xuất rượu vang. Trái lại, sản lượng của Italy đã phục hồi nhẹ so với năm ngoái và ước đạt 41 triệu hectolit, “soán ngôi đầu” của Pháp. Tây Ban Nha vẫn là nhà sản xuất lớn thứ ba của châu Âu.
Giám đốc thống kê của OIV, ông Giorgio Delgrosso cho biết theo xu hướng hiện tại, sản lượng rượu vang của “Lục địa Già” sẽ ở mức thấp nhất trong thế kỷ 21.