Nhóm nghiên cứu, do nhà khoa học Peter Mumby tại Đại học Queensland đứng đầu, đã theo dõi sự kiện sinh sản san hô trong 2 đêm vào tháng 3 năm nay. Họ phát hiện rằng san hô cần phải cách nhau trong phạm vi 10 mét, và tốt nhất là gần hơn, để quá trình thụ tinh diễn ra thành công.
Tỷ lệ thụ tinh thành công đạt 30% khi san hô cách nhau 0,5 mét, nhưng tỷ lệ này giảm xuống dưới 10% nếu san hô cách nhau 10 mét và gần như bằng không nếu ở khoảng cách 15-20 mét. Ông Mumby đã bày tỏ lo ngại rằng khoảng cách giữa các cá thể san hô sẽ quá xa, khiến chúng không thể sinh sản thành công, đặc biệt trong bối cảnh hiện tượng tẩy trắng đang làm giảm mật độ của san hô.
Trong khi đó, ông Christopher Doropoulos - đồng tác giả đến từ Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO), cơ quan khoa học quốc gia của Australia, cho rằng cần phải can thiệp trong tương lai để tăng mật độ san hô, từ đó giúp quá trình sinh sản diễn ra thành công.
Nghiên cứu này được tài trợ một phần bởi Chương trình Phục hồi và Thích ứng Rạn San hô (RRAP).
Theo ông Mumby, công trình nghiên cứu về rạn san hô Great Barrier thông qua chương trình RRAP trong 5 năm qua đang giúp xác định các mục tiêu về mật độ san hô để duy trì một quần thể khỏe mạnh.