Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, phát biểu tại Diễn đàn Tư vấn Động vật Hoang dã châu Phi lần thứ 21 ở Windhoek, thủ đô Namibia, Bộ trưởng Shifeta nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề này và phát triển các cơ chế để chống lại nạn săn bắn tràn lan đang diễn ra. Ông cho biết: “Namibia tin rằng hoạt động săn bắn có một vị trí trong bảo tồn và cơ cấu xã hội của chúng tôi, đồng thời sẽ hỗ trợ mọi nỗ lực nhằm thúc đẩy hoạt động săn bắn được quản lý chặt chẽ và lấy con người làm trung tâm”.
Bộ trưởng Shifeta cho biết bảo tồn động vật hoang dã là một hoạt động kinh tế quan trọng ở nhiều nước châu Phi và nhấn mạnh ngành công nghiệp động vật hoang dã phát triển tốt góp phần đáng kể vào việc tạo việc làm cũng như nền kinh tế nông thôn và quốc gia, mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng địa phương.
Ông cho biết: "Chúng ta phải tìm ra các cơ chế để ngăn chặn sự suy giảm hơn nữa của động vật hoang dã bằng cách áp dụng các mô hình phù hợp cho cả động vật hoang dã và người dân nơi có động vật hoang dã trên đất liền. Tôi tin rằng việc đặt ra một số giá trị kinh tế và tìm cách thu được những giá trị này là mô hình phù hợp cho các nước miền Nam châu Phi”.
Bộ trưởng Shifeta nhấn mạnh tầm quan trọng của các Chương trình Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên dựa vào cộng đồng (CBNRM), giải thích cách các chương trình này đã tích hợp thành công cộng đồng địa phương vào các sáng kiến bảo tồn động vật hoang dã ở miền Nam châu Phi, mang lại lợi ích cho cả nỗ lực bảo tồn và sinh kế của người dân sống gần môi trường sống hoang dã.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý sự cần thiết của việc đổi mới các phương pháp tiếp cận CBNRM để giải quyết những thách thức kinh tế mà các hộ gia đình phải đối mặt. Quan chức Namibia đã nêu ra 6 khía cạnh chính để nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã thành công, bao gồm thiết lập các khung chính sách hỗ trợ, tận dụng giá trị kinh tế của động vật hoang dã để bảo tồn và liên kết bảo tồn với phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo, cũng như tạo điều kiện phục hồi tài nguyên động vật hoang dã.