Rwanda có thể rút khỏi hiệp ước di cư mới với Anh

Ngày 6/12, Rwanda cho biết nước này có thể rút khỏi hiệp ước di cư vừa đạt được với Anh nếu London không tôn trọng luật pháp quốc tế. Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh những người theo đường lối cứng rắn ở Anh đang phản đối chính sách của Thủ tướng Rishi Sunak.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Nội vụ Anh James Cleverly (trái) và Ngoại trưởng Rwanda Vincent Biruta ký hiệp ước di cư mới tại Kigali, ngày 5/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó cùng ngày, cựu Bộ trưởng Nội vụ Anh, bà Suella Braverman, đã đưa ra tối hậu thư yêu cầu Thủ tướng Rishi Sunak - lãnh đạo đảng Bảo thủ, có biện pháp cứng rắn hơn trong vấn đề nhập cư nếu không muốn gặp bất lợi trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra năm 2024. Tối hậu thư kêu gọi Thủ tướng Sunak dỡ bỏ tất cả rào cản pháp lý để mở đường cho các chuyến bay đưa người di cư đến Rwanda trước thời điểm diễn ra tổng tuyển cử, đồng thời ban hành các quy định về giam giữ và trục xuất người di cư.

Trước diễn biến này, Ngoại trưởng Rwanda Vincent Biruta - người vừa ký hiệp ước di cư mới với Anh trong tuần này, tuyên bố nước này sẽ rút khỏi hiệp ước nếu Anh vi phạm các công ước quốc tế. Ông nhấn mạnh: “Nếu Vương quốc Anh không tuân thủ luật pháp quốc tế, Rwanda sẽ không thể tiếp tục tham gia thỏa thuận Sáng kiến đối tác phát triển kinh tế và di cư Rwanda-Anh”.

Ngày 5/12, Anh và Rwanda đã ký hiệp ước di cư mới nhằm khôi phục thỏa thuận song phương đạt được hồi tháng 4/2022, theo đó những người nhập cư bất hợp pháp và những người xin tị nạn tại Anh sẽ được gửi đến quốc gia Đông Phi này. Yêu cầu của những người nhập cư và xin tị nạn sẽ được xử lý tại Rwanda. Chính phủ Anh hy vọng hiệp ước di cư sẽ giúp ngăn chặn người di cư thực hiện hành trình mạo hiểm qua eo biển Manche.

Theo dữ liệu chính thức, từ đầu năm đến nay, hơn 30.000 người di cư đã vượt eo biển Manche để đến Vương quốc Anh trên những chiếc thuyền nhỏ.

Tuy nhiên, hiệp ước di cư mới với Rwanda đang gây tranh cãi tại Anh. Hôm 15/11, hội đồng gồm 5 thẩm phán tại Tòa án Tối cao Anh (SCUK) đã giữ nguyên phán quyết hồi tháng 6 năm nay của Tòa phúc thẩm, trong đó khẳng định chính sách này không phù hợp với nghĩa vụ của Anh theo quy định của các hiệp ước quốc tế. Hội đồng cảnh báo nguy cơ hiện hữu về việc biện pháp “tái định cư” này có thể sẽ buộc Rwanda phải gửi trả lại những người xin tị nạn và người tị nạn về một quốc gia nơi họ có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Ngày 6/12, Bộ trưởng Nội vụ James Cleverly - người kế nhiệm bà Suella Braverman, đã công bố dự luật khẩn cấp mang tên “Dự luật về sự an toàn của Rwanda”, trong đó tuyên bố Rwanda là quốc gia an toàn đối với người di cư, nhằm xúc tiến kế hoạch đưa người di cư tới quốc gia Đông Phi. Sau đó cùng ngày, Bộ trưởng Nhập cư Robert Jenrick xác nhận ông đã từ chức do dự luật khẩn cấp này “không đạt yêu cầu”.

Phan An (TTXVN)
Libya: Hồi hương khoảng 250 người di cư trái phép
Libya: Hồi hương khoảng 250 người di cư trái phép

Ngày 28/11, Cục Kiểm soát di cư bất hợp pháp của Libya đã hồi hương 248 người di cư trái phép.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN