Từ 10 năm nay, hệ thống kiểm soát tốc độ tự động bố trí rải rác trên các tuyến đường nước Pháp đã góp phần đáng kể làm giảm tỷ lệ tai nạn giao thông. Một chiếc rađa kiểm soát tốc độ trên tuyến đường cao tốc của Pháp. |
“Vì an toàn của bạn, kiểm soát tốc độ tự động”. Tấm biển đặt trên nhiều tuyến đường cao tốc trước các trạm rađa bắn tốc độ tự động nay đã trở nên quen thuộc với mọi người dân Pháp.
Hơn 10 năm nay, bất cứ lái xe nào cũng phải dè chừng khi đi đến những cung đường “nghi ngờ” đặt những chiếc hộp sắt sơn màu xanh xám và từ từ giảm tốc độ xuống giới hạn kiểm soát. Đánh dấu một bước ngoặt trong việc kiểm soát tốc độ trên đường bộ, rađa bắn tốc độ tự động là một thành phần quan trọng trong chính sách an toàn giao thông của các chính phủ Pháp.
Tai nạn giao thông giảmTừ năm 2003, đã có tổng cộng 4.129 rađa tốc độ được lắp trên hệ thống giao thông đường bộ của Pháp, trong đó có 2.202 rađa cố định.
Theo đánh giá của nhà chức trách, chúng đã góp phần giảm tốc độ bình quân xuống khoảng 10km. Giảm tốc độ đồng nghĩa với việc tỷ lệ tử vong giảm rõ rệt.
Từ năm 2002-2003, số người chết vì tai nạn giao thông đã giảm tới 21%, từ 7.242 người xuống còn 5.731 người. Con số này tiếp tục hạ xuống trong các năm tiếp theo và đến năm 2012, trên cả nước Pháp thống kê chỉ còn 3.842 người chết, mức thấp nhất từ trước đến nay.
Theo ông Frédéric Péchenard, Trưởng đại diện Ủy ban liên bộ về an toàn đường bộ, gần ba phần tư con số chênh lệch đó bắt nguồn từ việc triển khai hệ thống kiểm soát vận tốc tự động này. Giáo sư Claude Got, một trong những người tham gia vào quá trình chuẩn bị, đánh giá việc triển khai hệ thống rađa kiểm soát tốc độ có ý nghĩa cách mạng không thua kém so với bắt buộc thắt dây bảo hiểm trên xe ôtô, áp dụng từ năm 1973.
Đầu những năm 2000, rađa kiểm soát tốc độ đã được một số nước như Hà Lan, Anh hay Australia áp dụng, nhưng ở Pháp vấn đề này chưa được đưa ra thảo luận rộng rãi.
Ngay sau khi đắc cử vào năm 2002, tổng thống Jacques Chirac đã quyết định coi giải quyết an toàn giao thông đường bộ là một ưu tiên quốc gia và cho thành lập ủy ban soạn thảo báo cáo đánh giá khả thi và tác động của việc triển khai hệ thống rađa trên toàn quốc. Khi báo cáo còn chưa kịp hoàn tất, các kết luận của nó đã được trình lên chính phủ. Chưa đầy một năm sau, chiếc rađa đầu tiên xuất hiện ở thành phố Ville-du-Bois, ngoại ô Paris và do chính Bộ trưởng nội vụ lúc bấy giờ là Nicolas Sarkozy khai trương.
Không chỉ hạn chế tốc độ, hệ thống rađa đường bộ còn mang về cho ngân sách nhà nước một khoản đáng kể. Năm 2013, hơn 4000 chiếc hộp sắt này tạo ra nguồn thu tới 800 triệu euro. Trừ đi chi phí bảo dưỡng, xử lý hồ sơ và các chi phí khác, Kho bạc Pháp được cộng thêm khoảng 580 triệu euro.
Tổng cộng từ năm 2003 đến 2012 đã có 76 triệu trường hợp vi phạm lỗi tốc độ bị rađa phát hiện cho cảnh sát xử lý, với khoảng 4,2 tỷ euro tiền phạt, một con số không khỏi làm cho Kho bạc hoan hỷ nhưng khiến cho cánh tài xế phải nghiến răng. Xung quanh số tiền này cũng gây nhiều tranh cãi.
Ông Pierre Chasseray, thành viên ban lãnh đạo Hiệp hội 40 triệu lái xe của Pháp cho rằng, số tiền này không hoàn toàn để cải thiện an toàn giao thông, vì trong tổng số 1,6 tỷ euro thu được từ các khoản phạt liên quan đến giao thông đường bộ, trong đó có 613 triệu từ rađa tự động, 463 triệu dùng để thanh toán nợ công.
Chính vì lẽ đó mà các bốt rađa trở thành đối tượng để trút giận. Không đầy 48 tiếng đồng hồ sau khi lắp đặt, chiếc rađa đầu tiên đã phá hoại bằng thanh sắt. Từ năm 2007 đến 2013, gần 1000 trường hợp cố tình “trả thù” đã được ghi nhận với nhiều hình thức khác nhau: đập vỡ, phun sơn lên ống kính, đốt cháy, mặc dù hình phạt cho các hành vi này không hề nhẹ, có thể lên đến 3 năm tù và bồi thường 45.000 euro.
Thêm nhiều loại rađa mớiThực ra, rađa tự động không phải bao giờ cũng chỉ nhằm gây vé phạt và trong trường hợp này, chính phủ Pháp cũng cố gắng nương tay. Chẳng hạn, nếu bị rađa chụp ảnh và giấy báo phạt tiền ghi tài xế đang lái xe ở tốc độ 97km/giờ, thực chất xe của anh ta đang chạy ở tốc độ 92km/h. Cũng cần phải nhắc thêm rằng từ đầu năm 2013, Bộ Nội vụ quy định phải đặt biển thông báo trước tất cả các địa điểm có rađa kiểm soát.
Để nhắc nhở người đi đường chú ý đến tốc độ, nhà chức trách Pháp đưa vào sử dụng nhiều loại rađa mới theo nhiều hình thức khác nhau. Ở Paris và nhiều thành phố ngoại ô, người ta có thể bắt gặp rất nhiều rađa thông báo tốc độ xe mà không phạt. Nếu xe lưu hành trong giới hạn cho phép, bảng điện tử sẽ báo hiệu bằng khuôn mặt xanh mỉm cười, ngược lại sẽ là hình ảnh nhăn nhó khó coi. Những bảng điện tử này sử dụng hiệu ứng Doppler để đo vận tốc của xe và chỉ đơn thuần thông báo cho tài xế biết để chú ý.
Đáng sợ nhất với cánh lái xe là rađa không cố định, được coi là “ác mộng” của những người thích đua tốc độ. Chúng thường được ngụy trang cẩn thận ở ven đường, gần một giao lộ, thậm chí trong một lùm cây ven cao tốc. Thậm chí, từ nay đến cuối năm, cảnh sát sẽ đưa vào sử dụng rađa di động đặt trên ôtô lưu hành trên đường. Những thiết bị kiểu này sử dụng công nghệ mới có thể chụp ảnh để ghi nhận vi phạm cả lỗi tốc độ, lỗi đỗ xe hay sang đường.
Nước Pháp có hệ thống đường cao tốc thuộc loại hiện đại nhất thế giới, nhưng tuyến đường nào cũng bị hạn chế tốc độ dưới 130km/h. Nhà chức trách còn nghĩ ra biện pháp mới để buộc lái xe phải chú ý khi đạp ga: kiểm soát tốc độ trung bình. Một số tuyến đường bắt đầu đưa vào sử dụng hệ thống rađa kiểm soát chặng. Hai camera đặt cách nhau một quãng đường để ghi biển số và đánh dấu thời gian lưu hành của xe, sau đó tính tốc độ trung bình. Nếu vượt quá giới hạn, sẽ có vé phạt gửi về tận nhà. Cái hay của loại rađa này là không cần rình rập thời điểm vươt tốc độ, đồng thời cũng giúp phát hiện ra xe bị ăn cắp, xe tải chạy sai làn hay sang đường không đúng quy định.
Ngay cả ở các ngã ba, ngã tư, Pháp cũng có cách kiểm soát tự động hiệu quả bằng các rađa phát hiện vượt đèn đỏ tự động. Năm 2012, hệ thống này đã phát hiện hơn một triệu trường hợp không chịu tuân theo tín hiệu giao thông. Lỗi vi phạm này không chỉ bị phạt một khoản tiền kha khá, bị trừ điểm bằng lái rất nặng - bốn trong tổng số 12 điểm, mà có nguy cơ gây tai nạn rất cao.
Một báo cáo của Ủy ban quốc gia về an toàn giao thông mới công bố gần đây đã đề nghị giảm tốc độ cho phép xuống còn 80km/h. Đề xuất này không nhận được sự ủng hộ của dư luận. Ông Frédéric Péchenard cho rằng nếu người dân tiếp tục nâng cao nhận thức khi ngồi trước vôlăng, sẽ không có chuyện giảm tốc độ. Ủy ban cũng không đề nghị bố trí thêm rađa mà chỉ cải tiến công nghệ để chúng hoạt động hiệu quả hơn.
Tính đến tháng 9 vừa qua, tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông đường bộ đã giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Nội vụ, đặt ra mục tiêu buộc 28% người Pháp thường xuyên vượt tốc độ phải giảm ga, tiếp tục muốn từ nay đến năm 2020 hạ số người chết vì tai nạn giao thông hàng năm xuống dưới cột mốc 2000 trường hợp một năm. Mục tiêu này nếu hoàn thành chắc chắn sẽ có phần đóng góp không nhỏ từ hệ thống ra đa mới.
Bài, ảnh: Tiến Nhất