Theo dự luật do Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn, quân đội nước này được phép triển khai tới Libya trong trường hợp khẩn cấp, với sứ mạng kéo dài 1 năm.
Tuy nhiên, dự luật không qui đinh rõ qui mô lực lượng và thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ sẽ điều động tới Libya. Quyết định chi tiết liên quan tới việc điều động binh sĩ sẽ do Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ quyết đinh.
Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Sentop cho hay dự luật được thông qua với 325 phiếu thuận và 184 phiếu chống. Đảng Cộng hòa Nhân dân (CHP) đối lập chính và các đảng đối lập khác kịch liệt phản đối bước đi này.
CHP cho rằng quyết định trên sẽ làm leo thang căng thẳng và kéo Thổ Nhĩ Kỳ vào một cuộc xung đột mới, đồng thời cảnh báo về một kịch bản giống cuộc xung đột ở khu vực Đông Bắc Syria.
Ngày 1/1, Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay hoạt động triển khai quân có thể sẽ bắt đầu bằng các cố vấn quân sự, thiết bị bay không người lái và triển khai các chiến dịch đặc biệt, với hy vọng binh sĩ nước này sẽ không phải tham chiến trực tiếp tại Libya.
Theo ông Oktay, Ankara có thể hoãn kế hoạch triển khai quân đội tới Libya nếu các lực lượng miền Đông trung thành với Tướng Khalifa Haftar ngừng chiến dịch tấn công Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được quốc tế công nhận ở Tripoli và rút quân.
Libya lâm vào nội chiến và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gaddafi. Hiện quốc gia Bắc Phi này có hai chính quyền với các lực lượng vũ trang tồn tại song song.
GNA do ông Fayed al-Sarraj đứng đầu được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn. Trong khi đó, lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Tướng Khalifa Haftar đứng đầu ủng hộ chính quyền ở miền Đông. GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Haftar được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.
Tuần trước, GNA đã chính thức đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ quân sự trên bộ, trên không và trên biển. Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan luôn thể hiện sẵn sàng hỗ trợ GNA.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi ngày 27/12/2019 đã khẳng định mong muốn phối hợp hành động chặt chẽ hơn nhằm giúp ổn định tình hình tại Libya.
Theo Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm ngày 27/12, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi cụ thể vấn đề giải quyết khủng hoảng tại Libya. Hai ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực hòa giải của Đức và Liên hợp quốc (LHQ) trong bối cảnh cộng đồng quốc tế thúc đẩy tiến trình chính trị với sự tham gia của tất cả các bên ở quốc gia Bắc Phi này.
Đặc phái viên của Liên hợp quốc (LHQ) về Libya Ghassan Salame ngày 30/12 cho biết các thỏa thuận quân sự và hàng hải vừa được ký kết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền Tripoli cho thấy có sự leo thang xung đột ở quốc gia Bắc Phi này. Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới cũng hối thúc các bên liên quan tại Libya kiềm chế và đối thoại.