Theo dự luật vừa được thông qua, Quốc hội Mỹ đồng ý cấp ngân sách cho chính phủ liên bang tới ngày 30/9. Khoản ngân sách hơn 300 tỉ USD cấp cho các bộ và các cơ quan của chính phủ bao gồm cả khoản tiền 1,375 tỷ USD để xây dựng khoảng 90 km hàng rào dọc biên giới ở Rio Grande Valley. Số tiền này thấp hơn nhiều so với mức 5,7 tỷ USD mà Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu trong những tuần qua để xây dựng bức tường biên giới ở phía Nam.
Cùng ngày, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cho biết Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ ký phê chuẩn dự luật ngân sách do lưỡng đảng thống nhất sau các cuộc đàm phán về vấn đề an ninh biên giới và cũng sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Ông Mitch McConnell nêu rõ: "Tôi đã nói chuyện với Tổng thống Trump và ông Trump đã sẵn sàng ký thỏa thuận chi tiêu về an ninh biên giới. Đồng thời, ông ấy cũng sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia". Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cũng đã xác nhận thông tin này.
Theo một quan chức Nhà Trắng cấp cao, khi đặt bút ký dự luật vừa được lưỡng viện Quốc hội thông qua trong ngày 15/2, Tổng thống Trump đồng thời sẽ công bố một quyết định hành pháp để huy động khoản tiền 8 tỷ USD cho kế hoạch xây dựng bức tường biên giới giáp Mexico, một trong những cam kết tranh cử đáng chú ý nhất của nhà lãnh đạo Mỹ. Quan chức giấu tên này cho biết thêm hành động đó sẽ bao gồm việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Tuy nhiên, nếu ông chủ Nhà Trắng thật sự ban bố tình trạng khẩn cấp để huy động ngân sách xây tường biên giới, phe Dân chủ gần như chắc chắn sẽ kiện quyết định này ra tòa án, động thái có thể làm trì hoãn dự án trong nhiều năm.
Trong một tuyên bố chung, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer, nhấn mạnh: “Việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sẽ là hành động bất hợp pháp, vi phạm trắng trợn quyền hạn của tổng thống và là một bước đi liều lĩnh nhằm né tránh thực tế là Tổng thống Trump đã phá vỡ lời hứa bắt Mexico phải chi trả tiền cho bức tường biên giới của ông”.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật mang tính thỏa hiệp trên sau khi ngày 12/2, trong các cuộc đàm phán về vấn đề ngân sách an ninh biên giới, hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã đạt được thỏa thuận "về nguyên tắc" nhằm tránh tái diễn một đợt đóng cửa chính phủ.
Các cuộc đàm phán diễn ra sau ngày 25/1, khi Tổng thống Trump đã có bước nhượng bộ phe Dân chủ và đồng ý kết thúc chuỗi 35 ngày đóng cửa một phần Chính phủ Mỹ, dù chưa được đáp ứng yêu cầu cấp 5,7 tỷ USD. Ông Trump đã ký một thỏa thuận ngân sách tạm thời kéo dài 3 tuần để tạo điều kiện cho giới lập pháp nước này thương lượng các giải pháp cho vấn đề an ninh biên giới.
Tổng thống Trump, kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng, luôn coi cam kết tranh cử xây dựng bức tường biên giới phía Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu và hành động cần thiết để ngăn dòng người nhập cư từ các nước Trung Mỹ, ngăn chặn tình trạng buôn bán ma túy và tội phạm xâm nhập vào Mỹ.
Tuy nhiên, chương trình nghị sự này vấp phải sự phản đối quyết liệt của đảng Dân chủ. Đặc biệt, sau khi giành lại quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018, phe Dân chủ mà đứng đầu là Chủ tịch Hạ viện Pelosi đã tỏ rõ quan điểm không nhượng bộ và cương quyết phản đối điều khoản cấp 5,7 tỷ USD trong dự thảo ngân sách liên bang theo đề nghị của Nhà Trắng để xây tường biên giới.
Sự đối đầu này đã dẫn tới tình trạng dự luật ngân sách “án binh bất động” tại Đồi Capitol và Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần, lần đóng cửa chính phủ dài kỷ lục của nước này. Dù lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn dự luật ngân sách và an ninh biên giới nói trên, song với việc Tổng thống Trump vẫn chủ trương ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia báo hiệu nhiều bất ổn và mâu thuẫn giữa tổng thống và phe Dân chủ trong thời gian tới.