Phát biểu trước báo giới, ông Corker cho biết vẫn còn "một số công việc cần được thực hiện". Ông hy vọng các bất đồng liên quan tới dự luật sẽ sớm được giải quyết song không đề cập cụ thể thời hạn.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker trong cuộc họp báo công bố một dự luật tại Washington, DC. ngày 13/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước đó, ngày 22/7, một số nguồn tin từ hạ viện và thượng viện Mỹ tuyên bố đã đạt thỏa thuận để tổ chức bỏ phiếu về dự luật này tại hạ viện vào ngày 25/7, trong khi các cố vấn hạ viện cho biết dự luật được kỳ vọng sẽ nhận được lượng phiếu ủng hộ áp đảo. Tuy nhiên, theo ông Corker, dù mọi việc đang rất thuận lợi, các nghị sĩ đang tiến rất rất gần tới "một thỏa thuận", song việc đưa ra tuyên bố này là quá sớm.
Bản dự thảo trước của dự luật, trong đó bao gồm các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga và Iran, đã nhận được sự đồng thuận gần như tuyệt đối tại thượng viện trong cuộc bỏ phiếu hôm 15/6 vừa qua, song chưa được bỏ phiếu tại hạ viện sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump phản đối một số điều khoản trong đó có yêu cầu tổng thống phải được quốc hội đồng ý trước khi nới lỏng bất kỳ hình phạt nào áp dụng đối với Moskva.
Việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới với Nga có vẻ không đồng nhất với mục tiêu của Nhà Trắng bởi 6 tháng đầu cầm quyền, Tổng thống Trump vẫn luôn đặt ưu tiên xây dựng một mối quan hệ nồng ấm hơn với Nga. Nghị sĩ Corker cũng cho biết ông đã liên hệ với Nhà Trắng để hai bên "thông suốt" về biện pháp trừng phạt mới. Ngày 24/7, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết Tổng thống Trump đang cân nhắc nội dung dự luật này trước khi đưa ra quyết định có ủng hộ hay không.
Cũng liên quan tới các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, ngày 24/7, Đức đã yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) đưa thêm 4 cá nhân và công ty của Nga vào danh sách trừng phạt do vụ việc 4 tuốc-bin khí của Tập đoàn Siemens được đưa vào sử dụng tại bán đảo Crimea, khu vực đang chịu các lệnh trừng phạt của EU.
Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn lời một quan chức Chính phủ Đức, cho biết Tập đoàn Siemens thông báo 4 tuốc-bin khí, vốn được bàn giao cho một dự án ở miền Nam nước Nga, đã được chuyển tới Crimea trong mùa Hè năm 2016. Hành động này bị coi là vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng giao nhận của tập đoàn cũng như các quy định của EU.
Do đó, một số quan chức Bộ Năng lượng Nga và công ty đứng ra chịu trách nhiệm vận chuyển các tuốc-bin khí trên tới Crimea sẽ bị đề nghị bổ sung vào danh sách trừng phạt. Dự kiến, đại diện của 28 nước thành viên EU có thể sẽ nhóm họp về vấn đề này sớm nhất là vào ngày 26/7 tới.
Trước đó ngày 21/7, Tập đoàn công nghiệp Siemens của Đức tuyên bố sẽ rút khỏi công ty liên doanh Interautomatika của Nga do bất đồng liên quan tới vấn đề này, đồng thời phong tỏa việc giao nhận thiết bị sản xuất điện cho các công ty nhà nước của Nga. Siemens cũng sẽ chấm dứt thỏa thuận cấp phép cho thiết bị sản xuất điện mà tập đoàn đã ký với nhiều công ty Nga, đồng thời đang cân nhắc khả năng hợp tác giữa các công ty chi nhánh của tập đoàn và nhiều tổ chức khác trên thế giới liên quan đến giao dịch hàng hóa với Nga.