Phiên họp của Quốc hội Liban đã bắt đầu bằng một phút tưởng niệm những nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ nổ kinh hoàng ngày 4/8. Quốc hội Liban cũng chấp thuận đơn từ chức của 7 nhà lập pháp.
Chính phủ Liban đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 2 tuần ở thủ đô Beirut một ngày sau khi xảy ra vụ nổ. Theo luật pháp Liban, vì biện pháp này kéo dài hơn 8 ngày nên cần phải được Quốc hội thông qua. Chính phủ Liban thông báo tình trạng khẩn cấp sẽ trao toàn quyền bảo đảm an ninh cho quân đội.
Trước đó, cùng ngày, Liban đã triển khai dày đặc lực lượng an ninh tại thủ đô Beirut nhằm ngăn chặn người biểu tình tiếp cận trung tâm hội nghị, nơi các nghị sĩ tiến hành cuộc họp đầu tiên kể từ khi xảy ra thảm họa hồi tuần trước khiến 172 thiệt mạng. Các tuyến đường dẫn đến Cung điện UNESCO ở ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut, nơi Quốc hội Liban nhóm họp trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đã được phong tỏa bằng các hàng rào chắn kim loại nhằm ngăn chặn người biểu tình.
Vụ nổ xảy ra ngày 4/8 tại một nhà kho ở cảng Beirut tương đương một trận động đất có độ lớn 4,5, đã khiến 172 người thiệt mạng, trong khi ít nhất 6.500 người bị thương và hiện còn khoảng 30 - 40 người mất tích. Vụ nổ còn khiến khoảng 300.000 người mất nhà cửa, nhà chức trách ước tính thiệt hại khoảng 15 tỷ USD, một khoản tiền mà Liban không thể trả, trong khi các cuộc đàm phán giữa chính phủ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại đang bị đình trệ.
Các kết quả điều tra sơ bộ cho thấy tình trạng lơ là quản lý và vận hành kho chứa vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao ở cảng Beirut trong nhiều năm qua là nguyên nhân dẫn đến vụ nổ trên. Do đó, sau đó vài ngày, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình và đụng độ với cảnh sát ở Beirut sau khi tụ tập trên đường phố. Người biểu tình yêu cầu tiến hành cải cách và chính phủ phải từ chức. Các cuộc đụng độ đã khiến hàng trăm người bị thương, trong đó có khoảng 100 nhân viên an ninh.