Vụ nổ ngày 4/8 khiến ít nhất 160 người chết, trên 6.000 người bị thương là thảm kịch kinh hoàng nhất thời bình ở Liban. Theo hãng tin AFP, nguyên nhân vụ nổ là do sự tắc trách của chính phủ và đã châm ngòi cho cuộc biểu tình chưa từng có tiền lệ chống lại chính phủ cầm quyền.
Vụ nổ tàn phá gần nửa thủ đô Beirut xảy ra đúng vào thời điểm Liban đang kiệt quệ, vỡ nợ và tình trạng đói nghèo gần bằng mức các nước thuộc thế giới thứ ba. Vụ nổ không chỉ làm rung chuyển thủ đô Beirut, mà còn làm rung chuyển chính trường nước này.
Dưới sức ép tứ bề, Thủ tướng Liban, ông Hassan Diab đã thông báo chính phủ từ chức vào ngày 10/8, chưa đầy một tuần sau vụ nổ, khiến bất ổn chính trị càng thêm sâu sắc. Người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát gần văn phòng ông Diab suốt mấy đêm liên tiếp.
Ông David Beasley, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới cho biết Liban cần mọi sự trợ giúp vì 85% thực phẩm mà Liban sử dụng đều đi qua cảng Beirut vừa bị tàn phá sau vụ nổ. Ông nói: “Chúng ta đang chứng kiến thảm họa hình thành ngay bây giờ nếu ta chúng ta không đưa thực phẩm vào và không hoạt động trở lại cảng này”. Theo ông Beasley, nếu cảng Beirut không hoạt động trong hai tuần nữa, người dân Liban sẽ hết bánh mỳ.
Khủng hoảng chồng khủng hoảng
Trước vụ nổ, Liban đang trải qua quá nhiều vấn đề, quá nhiều cuộc khủng hoảng tồi tệ.
Về cuộc khủng hoảng kinh tế, theo thống kê chính thức, 35% người Liban thất nghiệp và gần nửa dân số dưới ngưỡng nghèo đói. Trong những tháng gần đây, giới chức Liban cho biết tình trạng tội phạm do đói nghèo đã gia tăng. Nhiều người cùng quẫn buộc phải đi ăn trộm những thứ như sữa trẻ em, thức ăn, thuốc men hoặc bắt giữ người để đổi lấy tiền mua thức ăn.
Tỷ lệ tội phạm nói chung trong nửa đầu năm 2020 ở Liban đã đạt mức cao nhất trong 6 năm qua, đặc biệt là cướp bóc và giết người. Nguyên nhân dường như là do khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc.
Hàng chục nghìn người Liban đã mất việc hoặc bị giảm lương trong bối cảnh lạm phát tăng nhanh chóng. Đồng bảng Liban mất giá mạnh so với USD. Do Liban phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu nên giá thuốc, sữa trẻ em, thực phẩm đã tăng kỷ lục.
Khi kinh tế khó khăn, người dân Liban lại phải gồng mình gánh chịu hậu quả từ đại dịch COVID-19. Dù số ca mắc và tử vong ở Liban tương đối thấp (7.121 ca mắc và 87 ca tử vong tính tới 12/8) nhưng các chuyên gia y tế lo ngại nếu gia tăng, Liban sẽ không thể chống đỡ nổi trong tình hình thiếu hụt cơ sở hạ tầng như hiện nay.
Trước các cuộc biểu tình diễn ra do vụ nổ ở Beirut, biểu tình đã xuất hiện rải rác khắp Liban suốt từ tháng 10/2019. Người biểu tình đòi chính phủ giải quyết tình trạng thiếu hụt cơ sở hạ tầng, tham nhũng tràn lan, khủng hoảng tài chính trầm trọng khiến đất nước trì trệ hàng chục năm qua.
Kể từ nội chiến, Liban thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu điện trầm trọng. Thủ đô Beirut mỗi ngày lại bị cắt điện ba tiếng. Bên ngoài thủ đô, thời gian mất điện còn lâu hơn. Gần đây, người dân Liban chỉ có 2 tiếng có điện mỗi ngày.
Biểu tình đã khiến Thủ tướng khi đó Saad Hariri từ chức, nhưng tình hình không khá hơn. Tình trạng mất điện trầm trọng hơn, khủng hoảng tiền tệ chưa có điểm dừng.
Rami Rifai, một kỹ sư 38 tuổi, nói: “Chúng tôi đã sống những ngày đen tối ở Liban suốt những năm qua, nhưng vụ nổ là điều khác biệt. Chúng tôi đã lâm vào khủng hoảng kinh tế, chính phủ tham nhũng và đại dịch COVID-19. Tôi đã nghĩ rằng tình hình sẽ không thể tệ hơn nữa, nhưng giờ tôi không biết Liban có thể đứng dậy được nữa hay không. Ai cũng đang tìm cách bỏ đi. Tôi cũng vậy”.
Tương lai nào chờ Liban?
Theo VOANews, việc chính phủ của Thủ tướng Hassan Diab từ chức đã khiến tương lai của Liban thêm ảm đạm. Nước này sẽ phải nhanh chóng thành lập chính phủ mới để lấp đầy khoảng trống quyền lực.
Theo bà Mona Yacoubia thuộc Viện Hòa bình Mỹ ở Washington, diễn ra giữa dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế, hậu quả của vụ nổ kinh hoàng sẽ khiến tình hình vốn đã ảm đạm thêm tăm tối, nhất là khi nạn đói ngày càng nghiêm trọng..
Nhiều nhà phân tích cho rằng Liban không thể thay đổi trừ khi hệ thống azuma (một nhóm lãnh đạo giáo phái Liban nắm toàn quyền việc chia sẻ quyền lực giữa 18 cộng đồng tôn giáo) được thay bằng nhà nước pháp quyền. Họ cho rằng sẽ phải thay thế hệ thống chia sẻ quyền lực lâu đời đã suy thoái, bất lực, tham nhũng này, hoặc ít nhất phải cải tổ mạnh mẽ.
Tuy nhiên, chỉ ra điều đó thì dễ nhưng thực hiện mới khó, như Thủ tướng Diab thừa nhận trong bài phát biểu thông báo chính phủ từ chức. Ông chỉ trích hệ thống tham nhũng có quyền lực lớn hơn cả nhà nước và cho rằng hệ thống này đã tạo ra một Liban phá sản.
Bầu cử sớm ở Liban cũng đã được bàn tới nhưng có thể sẽ mất một năm để tổ chức. Theo ông Paul Salem, Chủ tịch Viện Trung Đông (tổ chức nghiên cứu ở Washington), thách thức ngay lúc này là thiết lập chính phủ kỹ trị. Điều này cũng sẽ không đơn giản. Chính phủ của ông Diab mới vừa được thành lập từ tháng 1 sau khủng hoảng chính trị kéo dài vốn đã là một chính phủ dựa trên nền tảng kỹ trị. Khi ông thông báo nội các, ông cho biết nội các sẽ cho ra luật bầu cử mới, thiết lập bộ máy tư pháp độc lập và thu hồi quỹ công bị biển thủ. Tuy nhiên, chính phủ của ông chỉ được phong trào Hezbollah theo dòng Shiite và đồng minh Thiên chúa giáo ủng hộ, còn người Hồi giáo dòng Sunni phản đối.
Theo ông Salem, ngay từ đầu, ai cũng biết chính phủ đó sẽ không được phép làm điều gì lớn và chắc chắn sẽ không thể thành công. Và sau đó, chính phủ này sẽ bị tan rã như đang xảy ra. Ông Salem cho rằng những lãnh đạo giáo phái Liban hy vọng thất bại của chính phủ sẽ khiến người dân trong và ngoài nước tin rằng họ là người duy nhất có thể thực hiện mọi thứ.
Trong bối cảnh sụp đổ và phá sản, Liban rất cần hỗ trợ từ bên ngoài. Nhiều nước đã đề nghị hỗ trợ nhưng yêu cầu Liban phải thay đổi. Khi Beirut bị tàn phá, không còn nguồn lực, giới lãnh đạo giáo phái rơi vào thế khó. Theo ông Salem, đây chính là thời điểm cần tận dụng để thay đổi.
Tuy nhiên, hãng tin AP cho rằng vẫn chưa thể biết chắc vụ nổ vừa qua có trở thành "chất xúc tác" được mong đợi từ lâu để đánh bật tầng lớp khó có thể thay đổi của Liban hay không. Cho dù vụ nổ này khơi mào cho sự thay đổi, Liban sẽ phải trải qua nhiều năm bất ổn và biến động trước khi tới được đích.
Ông Fawaz Gerges, Giáo sư chính trị Trung Đông tại Trường Kinh tế London, dự báo trong thời gian tới, Liban có thể sẽ áp dụng tiến trình bầu cử mới, có chính phủ mới và hệ thống quản lý đất nước mới và tất cả những điều này sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn. Theo ông, lợi ích của giới quyền lực Liban trong hệ thống của đất nước này rất khó thay đổi. Ông nói: "Mặc dù lịch sử đã nói lên rằng những thảm họa quốc gia như vậy sẽ là chất xúc tác tạo ra thay đổi, song tôi cực kỳ nghi ngờ về việc giới lãnh đạo chóp bu và cầm quyền ở Liban sẽ tự mình tạo ra thay đổi".