Tổng Giám đốc IATA, Alexandre de Juniac nhận định vụ tấn công khủng bố tại London đêm 3/6 có thể làm nản lòng các du khách tiềm năng giống như các vụ tấn công tương tự ở châu Âu năm 2016.
Giám đốc điều hành Air France KLM SA Alexandre de Juniac tại một cuộc họp ở thủ đô Paris ngày 21/5. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông Juniac dẫn chứng các vụ tấn công ở Brussels (Bỉ) và Paris (Pháp) khiến số lượng chuyến bay từ các khu vực trên thế giới đến hai nước này đều giảm. Ông cho rằng vụ tấn công ở Anh có thể có những ảnh hưởng, song vẫn còn khá sớm để có thể dự báo về quy mô ảnh hưởng.
Trong vụ tấn công đêm 3/6 tại Anh, 3 kẻ tấn công đã lái xe đâm vào đám đông người đi bộ trên Cầu London, sau đó xuống xe dùng dao đâm nhiều người tại khu vực Borough Market. Đây là vụ tấn công khủng bố thứ 2 xảy ra tại Anh trong nửa tháng qua. Ít nhất 7 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công. Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã nhận gây ra vụ tấn công này.
Lo ngại vụ khủng bố ở Anh có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh tượng tự các vụ khủng bố tại châu Âu năm 2016, nhiều hãng hàng không đã nhanh chóng tung ra các chương trình chăm sóc khách hàng như tặng các gói bảo hiểm và sẵn sàng hoàn tiền vé các chuyến bay tới London theo yêu cầu của khách hàng.
Malaysia Airlines thông báo hoàn tiền vé toàn bộ cho khách đặt vé bay tới London cho đến ngày 5/6 hoặc có thể xa hơn. Theo Giám đốc điều hành của Malaysia Airlines Peter Bellew, tính đến thời điểm hiện nay, số hành khách đặt vé của hãng đi London vẫn không giảm.
Tuy nhiên, ông cho rằng vụ khủng bố tại London sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không châu Á, do đó, ông khuyến cáo các hãng hàng không tại khu vực nên cân nhắc các kế hoạch phát triển mở đường bay mới tới khu vực châu Âu hoặc Mỹ.
Hội nghị IATA lần này còn tập trung thảo luận về quyết định của Mỹ và Anh cấm mang máy tính xách tay và máy tính bảng lên các chuyến bay. IATA cho rằng quyết định này làm tổn hại hoạt động kinh tế của ngành hàng không.
Trong cuộc thảo luận với giới chức Mỹ và châu Âu, IATA đề xuất các phương án thay thế lệnh cấm, bao gồm việc sử dụng chó nghiệp vụ, công nghệ phát hiện bom. Theo IATA, hành khách có xu hướng tránh các tuyến bay áp dụng lệnh cấm trên. IATA ước tính nếu lệnh cấm này được áp dụng phổ biến trên tất cả các chuyến giữa Mỹ và châu Âu, doanh thu ngành hàng không sẽ tổn thất 1,4 tỷ USD.
IATA gồm 275 hãng hàng không thành viên, chiếm 83% hoạt động giao thông hàng không toàn thế giới. Tại hội nghị năm nay, dự kiến kéo dài đến hết ngày 6/6, đại diện các hãng hàng không tham dự cũng thảo luận về hoạt động chống buôn người và việc thực thi thỏa thuận năm 2016 giữa các hàng hàng không về việc mua bán hạn ngạch khí thải gây hiệu ứng nhà kính.