Moskva ban đầu đã trả đũa bằng cách trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh, sau khi 23 nhà ngoại giao Nga phải rời London. Tuy nhiên, giờ đây phía Nga tuyên bố "thêm nhiều nhà ngoại giao Anh nữa sẽ phải về nước" bởi theo quan điểm của Moskva, số lượng các cơ quan ngoại giao của Anh và Nga trên lãnh thổ của nhau phải bằng nhau.
Trên thực tế, điều này có nghĩa là ít nhất 27 nhà ngoại giao Anh nữa sẽ phải về nước. Tuy nhiên, cũng có một khả năng con số 27 sẽ gồm một số nhân viên địa phương làm việc cho các cơ quan ngoại giao Anh.
Ngày 30/3, Đại sứ Anh tại Nga là Laurie Bristow được thông báo phía Anh có 1 tháng để cắt giảm số nhân viên văn phòng ngoại giao Anh ở Nga cho bằng với số nhân viên văn phòng ngoại giao Nga ở Anh. Ngày 31/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với hãng tin Reuters rằng điều này có nghĩa Anh sẽ phải giảm “hơn 50” nhân viên ngoại giao ở Nga. Bà nói: “Chúng tôi yêu cầu có sự trục xuất ngang bằng”.
Bộ Ngoại giao Anh cho biết: “Phản ứng của Nga là đáng tiếc, nhưng theo những xử sự trước đây của Nga, chúng tôi đã lường trước họ sẽ phản ứng. Song điều này không thay đổi được thực tế của vấn đề: âm mưu sát hại 2 người trên đất Anh, một âm mưu mà không có kết luận nào khác ngoài việc nhà nước Nga là thủ phạm. Nga đã vi phạm trắng trợn luật quốc tế và Công ước Cấm Vũ khí Hóa học. Hành động của các nước trên thế giới đã cho thấy mối lo ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế”. Moskva nhiều lần bác bỏ cáo buộc vô căn cứ này.
Hơn 150 nhà ngoại giao Nga đã bị các nước phương Tây trục xuất khi chính phủ các nước này ủng hộ Anh. Nga lúc đầu trả đũa Anh, sau đó tuyên bố trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ. Ngày 30/3, Nga triệu một loạt đại sứ các nước đến để báo tin các nước này sẽ nhận đòn trả đũa tương xứng từ Nga. Trước đó, ngày 29/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo về “một tình hình rất giống với những gì chúng ta trải qua trong Chiến tranh Lạnh”. Câu hỏi đặt ra là phải chăng Nga và phương Tây đang trở về thời Chiến tranh Lạnh?
Vụ Skripal đang làm quan hệ giữa Moskva và phương Tây, vốn dĩ đã căng thẳng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, như sợi dây đàn bị căng quá mức. Và trong vòng xoáy cuộc chiến ngoại giao “trừng phạt-trả đũa” này, nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin có lựa chọn nào khác để giải quyết cuộc khủng hoảng, hay sẽ tiếp tục xu thế đáp trả hiện nay?
Chuyên gia Cyrille Bret, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia, phân tích: “Nga đang ở ngã ba đường. Nga đang phải giải quyết cuộc khủng hoảng Syria và muốn khẳng định là một cuờng quốc có trách nhiệm. Moskva cũng phải hành động sao cho Thỏa thuận Minsk về ngừng bắn ở Đông Ukraine được tôn trọng và phải tổ chức thành công Vòng chung kết Giải Bóng đá Thế giới sẽ diễn ra trong tháng 6 và tháng 7 này. Như vậy, Nga có 2 sự lựa chọn: Hoặc là về trung hạn, Nga sẽ có những thay đổi, thích ứng trong quan hệ với phương Tây để thực sự chứng tỏ là một cường quốc 'xây dựng'; Hoặc là Nga sẽ tiếp tục hành động, như đã làm từ năm 2014 đến nay, tức là cứng rắn trong quan hệ với phương Tây, không ngại đối mặt với vòng xoáy căng thẳng mà một số người gọi là 'thổi làn gió Chiến tranh Lạnh mới', và cạnh tranh với phương Tây về địa chính trị”.
Căng thẳng Nga-Anh dường như không giới hạn trên mặt trận ngoại giao, Bộ Giao thông Nga ngày 31/3 đã yêu cầu Anh giải thích chính thức về vụ việc mà Moskva nói là một chuyến máy bay chở khách của hãng Aeroflot của Nga bị nhà chức trách Anh lục soát tại sân bay Heathrow ở London ngày 30/3. Đại sứ quán Nga ở London gọi đây là một “sự khiêu khích trắng trợn”. Còn Bộ Giao thông Nga nói trong một thông cáo: “Nếu không có lời giải thích, phía Nga sẽ coi hành động lục soát máy bay của chúng tôi là trái phép và sẽ có hành động tương tự với các hãng hàng không của Anh”.
Bộ trưởng An ninh Anh Ben Wallace nói trong một thông cáo: “Lực lượng Biên phòng Anh thường rà soát các máy bay để bảo vệ nước Anh khỏi tội phạm có tổ chức và những đối tượng tìm cách mang các chất độc hại, như ma túy hay vũ khí, vào nước Anh. Sau khi kiểm tra xong, máy bay đó lại được tiếp tục hành trình đã định”.