Quan hệ Mỹ - Philippines hậu bão Haiyan: Đã toại lòng nhau?

Các nỗ lực cứu trợ khẩn cấp do binh lính Mỹ thực hiện tại các khu vực bị tàn phá bởi siêu bão Haiyan miền Trung Philippines là minh chứng mãnh liệt để hai nước đồng minh tiến đến một hiệp định quân sự mới. Đây là tuyên bố mà Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đưa ra hôm 25/11.

Lính Mỹ phân phát nước sạch cho người dân ở Palo, tỉnh Leyte, Philippines sau thảm họa Haiyan. Ảnh: AFP


Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp với phái đoàn nghị sĩ quốc hội Mỹ ở thăm Philippines, Ngoại trưởng Rosario cho biết: “Những gì mà mọi người được chứng kiến tại miền Trung Philippines sau thảm họa Haiyan cùng với sự trợ giúp về cứu trợ, sơ tán công dân... chính là nhu cầu đối với một hiệp định khung mà chúng tôi đang làm việc cùng với Mỹ. Một trong những mục đích chính của hiệp định này là cứu trợ nhân đạo, phản ứng và khắc phục thảm họa”.

Về phần mình, Hạ nghị sĩ Chris Smith nói rằng, cơn bão đã “đưa chúng ta xích lại gần nhau hơn bao giờ hết”. Ông nói: “Chúng ta nhận ra rằng, đây là sự quý giá của tình bạn, chúng ta phải gìn giữ nó bằng mọi giá. Vì thế, tôi nghĩ... tất cả các cuộc đàm phán đang tiến triển sẽ được tiếp thêm động lực tích cực từ kết quả trực tiếp này”.

Washington và Manila đã xúc tiến đàm phán về một hiệp định an ninh cho phép việc hiện diện quân sự rộng rãi, kéo dài hơn của lính Mỹ theo hình thức luân phiên tại các căn cứ và cơ sở quân sự ở Philippines. Cùng với đó là điều khoản cho việc lắp đặt, lưu giữ các thiết bị và nguồn cung cấp cho các chiến dịch nhân đạo và hàng hải. Tháng trước, sau 4 cuộc gặp, tiến trình đàm phán vẫn dậm chân tại chỗ do những vướng mắc về luật pháp và hiến pháp. Tuy nhiên, hai bên cam kết sẽ tiến đến thỏa thuận cuối cùng, như là một đòn bẩy cho chính sách ngoại giao của Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama – chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hôm 8/11, siêu bão Haiyan, một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử, đã tàn phá miền Trung Philippines, làm chết hơn 5.200 người, với 4,4 triệu người mất nhà cửa và gây thiệt hại 547 triệu USD. Chỉ sau ít ngày, Mỹ ngay lập tức triển khai các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo giúp Philippines. Lúc cao điểm, Mỹ đã huy động đến 13 tàu chiến, trong đó có cả cụm tàu sân bay USS George Washington cùng hàng chục máy bay, khoảng 5.000 lính Mỹ làm công tác cứu trợ, chủ yếu là trợ giúp, phân phát lương thực, nước uống, đẩy nhanh việc thông đường, hải cảng, sân bay. Về tiền, Washington đã ủng hộ 52 triệu USD, trong đó có 30 triệu USD trực tiếp từ Bộ Quốc phòng Mỹ.


HT (AFP)

Hậu Haiyan, khi cứu trợ trở thành công cụ chính sách của Mỹ
Hậu Haiyan, khi cứu trợ trở thành công cụ chính sách của Mỹ

Hậu thảm họa bão Haiyan nhiều người Philippines có thể sẽ có cách nhìn khác đi về hiện diện quân sự của Mỹ. Nỗ lực cứu trợ của Mỹ dành cho Philippines cũng là nhân tố giúp thúc đẩy hiệp định quân sự song phương vốn được hai bên khởi động thời gian qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN