Theo đài Sputnik (Nga), các nguồn tin quân đội cho biết khái niệm vùng chết đã được nghiên cứu và áp dụng. Các đơn vị Binh sĩ Chiến tranh Điện tử ở một số quân khu đã thực hành triển khai khái niệm này thông qua diễn tập. Các tập trận quy mô lớn cấp quốc gia dự kiến bắt đầu vào năm tới.
Quân đội Nga muốn sử dụng khái niệm vùng chết để thiết lập phòng thủ không thể xâm nhập, chống các vũ khí kẻ thù và để bảo vệ không chỉ cơ sở hạ tầng quân sự mà còn cơ sở hạ tầng công nghiệp và xã hội.
Trung tướng Yuri Lastochkin, chỉ huy Binh sĩ Chiến tranh Điện tử xác nhận các cuộc tập trận điện tử chuyên môn hóa đã diễn ra ở hướng chiến lược Tây-Nam đầu năm nay. Trong đó, trên 20 đơn vị tham gia tập trận ở 15 khu vực, thực hành phòng thủ lãnh thổ ở quân khu miền Tây và Nam. Các quân khu này bao gồm phần lớn lãnh thổ cực tây của Nga, giáp với Phần Lan, Belarus và Ukraine.
Quân đội Nga không hé lộ về các vũ khí liên quan tới khái niệm vùng chết. Tuy nhiên, tuần trước, Bộ Quốc phòng đã có một thông tin quan trọng trong thông cáo báo chí, nói rằng đội quân hỗn hợp số 49 thuộc quân khu miền Nam đã triển khai trạm chiến tranh điện tử vô tuyến Polye-21M lần đầu tiên. Trong đó, các đơn vị chiến tranh điện tử di động xuất hiện cùng các lực lượng chiến thuật quy mô tiểu đoàn, thiết lập các vùng nhiễu liên tục, rộng tới 50km.
Poley-21M có khả năng can thiệp tín hiệu chống hệ thống vệ tinh nước ngoài, trong đó có hệ thống GPS của Mỹ, nhằm đánh lạc hướng drone.
Cùng với Polye-21M, quân đội Nga cũng được trang bị Murmansk-BN, một hệ thống chiến tranh điện tử di động mạnh hơn, có khả năng làm nhiễu loạn liên lạc chiến lược-hoạt động giữa sở chỉ huy kẻ thù và tàu chiến/máy bay. Các hệ thống này có tầm hoạt động lên tới 5.000km, có thể can thiệp hệ thống liên lạc tần số cao, trong đó có hệ thống liên lạc toàn cầu tần số cao HEGCS – mạng lưới máy phát toàn thế giới dùng để liên lạc giữa các sở chỉ huy và tàu chiến, máy bay Mỹ. Ngoài Mỹ, hệ thống còn được các đồng minh NATO tiếp cận.
Nga đã dành nguồn lực đáng kể cho các hệ thống chiến tranh điện tử. Các đơn vị quân đội tiếp nhận hơn 20 công nghệ chiến tranh điện tử trong những năm gần đây. Các công nghệ có nhiều mục đích: từ làm nhiễm loạn trạm radar trên máy bay trinh sát và chiến đấu của kẻ thù, tới phòng thủ đặc biệt trước bom và tên lửa.
Sử gia quân sự Dmitry Boltnekov cho rằng các lực lượng chiến tranh điện tử Nga đã có khả năng nhằm vào các hệ thống riêng rẽ mà các tên lửa hành trình sử dụng, như thông qua can thiệp định hướng vệ tinh để giảm độ chính xác đáng kể. Ngoài ra, nếu tác động vào tín hiệu dụng cụ đo độ cao vô tuyến, vũ khí có thể bị biến thành một đống sắt vụn biết bay, không thể thực hiện chức năng chiến đấu hiệu quả. Drone còn dễ bị tổn thương hơn khi hệ thống kiểm soát mặt đất và vệ tinh bị nhiễu loạn.
Theo ông Boltnekov, các hệ thống chiến tranh điện tử mới đang được triển khai sẽ có khả năng tác động tới hệ thống điện tử của drone và tên lửa chỉ bằng một phát bắn.
Nga không phải là nước duy nhất có hệ thống chiến tranh điện tử chống tên lửa/drone. Tháng trước, tờ The Drive đưa tin các tàu khu trục Mỹ hoạt động ngoài khơi Tây Ban Nha đã được trang bị hệ thống tên lửa chống hạm bí mật để phòng thủ tên lửa P-800 Oniks trên tàu ngầm, tàu chiến và hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion của Nga.
Phiên bản xuất khẩu của Oniks có tên Yakhont đã được bán cho Syria cuối những năm 2000. Syria có hai hệ thống tên lửa Bastion với 72 tên lửa để bảo vệ trước các cuộc tấn công của kẻ thù.
Trong khi đó, quân đội Nga đã thử thành công hệ thống chiến tranh điện tử ở Syria hồi tháng 1/2018. Khi đó, các đơn vị chiến tranh điện tử được triển khai ở căn cứ Nga tại Khmeimim đã đánh bật một cuộc tấn công của 13 drone cảm tử cỡ nhỏ do các tay súng thánh chiến phóng, buộc 6 chiếc hạ cánh và phá hủy số còn lại bằng hệ thống phòng không. Trong những tháng và năm sau đó, Nga còn thành công với hệ thống này nhiều lần nữa.