Theo đài Sputnik, nhu cầu về việc triển khai sớm mạng lưới 5G xuất hiện trong bối cảnh lực lượng Ấn Độ đóng quân tại các căn cứ ở biên giới phàn nàn về những âm thanh gián đoạn trong hệ thống liên lạc vô tuyến. Quân đội Ấn Độ cáo buộc những âm thanh gây nhiễu này xuất phát từ cường độ mạnh của sóng 5G từ các trạm cơ sở của Trung Quốc.
Theo yêu cầu từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ, các công ty cần cung cấp thiết bị có thể hoạt động hiệu quả ngay cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như nhiệt độ xuống dưới -20 độ C, tuyết rơi dày 3m và gió thôi mạnh với vận tốc 120 km/h.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng đang tìm cách phóng một vệ tinh mới cung cấp băng tần K cho các lực lượng vũ trang.
Trong khi đó, nhiều năm qua, người dân Ấn Độ sống gần biên giới — trải dài từ bang Arunachal Pradesh đến Ladakh – luôn phàn nàn gặp các vấn đề mạng, cáo buộc điện thoại di động hoặc đài vô tuyến của họ đã bị mạng viễn thông Trung Quốc chặn.
Một quan chức cấp cao của Bộ Viễn thông Ấn Độ cho hay: "Chúng tôi đã được báo cáo về tình hình này. Thật không may, chúng tôi không thể ngăn sóng từ phía Trung Quốc. Cách duy nhất chúng tôi có thể đối phó trước vấn đề nghiêm trọng này là lắp đặt thêm các trạm phát sóng".
Địa hình hiểm trở của dãy Himalaya đặt ra những thách thức đối với việc xúc tiến quá trình lắp đặt trạm phát sóng di động. Nhưng quan chức này hy vọng rằng việc lắp đặt sẽ được hoàn thành trong một đến hai năm tới.
Hiện Bắc Kinh đẩy mạnh nỗ lực hoàn thành mục tiêu thiết lập 2 triệu trạm phát sóng 5G vào cuối năm 2022 như một phần chính sách mở rộng mạng lưới viễn thông không dây thế hệ mới trên cả nước.
Mới đây, Trung Quốc đã xây dựng những trạm phát sóng 5G tại những khu vực tranh chấp như Suối nước Nóng và Pangong Tso dọc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC). Đây là những khu vực mà hai nước đều điều động hàng nghìn binh sĩ với dàn khí tài tân tiến đến sau khi xảy ra cuộc xung đột bạo lực vào tháng 6/2020. Vụ chạm trán đã khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.