Hãng thông tấn AFP (Pháp) cho biết căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang trên nhiều mặt trận kể từ khi Tổng thống Donald Trump bước vào Nhà Trắng năm 2017.
Mỹ thường xuyên tổ chức hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông, điều này khiến Trung Quốc không hài lòng. Theo AFP, bản thân Trung Quốc đã có nhiều hoạt động quân sự trái phép trên Biển Đông.
Ông Wu Shicun, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc cho biết: “Quân đội Mỹ đang triển khai chưa có tiền lệ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khả năng xảy ra tai nạn quân sự hoặc hỏa lực đối đầu ngày càng gia tăng. Nếu khủng hoảng xảy ra, hậu quả đối với quan hệ song phương sẽ rất tồi tệ”.
Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc gần đây đưa ra báo cáo cho rằng Mỹ đã triển khai 375.000 binh sĩ và 60% chiến hạm của nước này đến khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó có 3 tàu sân bay.
Theo ông Wu Shicun, trong 2 nhiệm kỳ Tổng thống của ông Barack Obama, Hải quân Mỹ mới 8 lần thực hiện tự do hàng hải. Trong khi đó, dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đã thực hiện tới 22 cuộc tuần tra tự do hàng hải.
Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc cho rằng quân đội Mỹ và Trung Quốc cần “tăng cường liên lạc” để ngăn chặn hiểu lầm và sơ xuất. Ngoài ra, cũng theo cơ quan này, các cuộc gặp quân sự cấp cao cần được tái tổ chức và mở đường dây liên lạc trực tiếp.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Biển Đông cũng khẳng định Trung Quốc không coi Mỹ là đối thủ. Tuy nhiên, trong nội dung bản báo cáo có cảnh báo mối quan hệ quân sự xấu đi giữa hai bên sẽ làm tăng khả năng xảy ra tai nạn nguy hiểm, xung đột hoặc thậm chí là khủng hoảng.
Theo phán quyết công bố ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan), yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Phán quyết của Tòa Trọng tài khẳng định Trung Quốc không có căn cứ lịch sử nào về vùng biển ở Biển Đông và Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong cái mà Bắc Kinh gọi là "đường 9 đoạn".
Liên quan tới vấn đề Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh: “Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, mọi việc làm của các bên khác trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị".