Phát biểu tại hội nghị với chủ đề "Tái định hình chủ nghĩa tư bản trong thế kỷ 21: Thịnh vượng hơn, bất bình đẳng ít hơn", Bộ trưởng Tài chính Pháp một mặt nhấn mạnh toàn cầu hóa đã mang lại sự thịnh vượng chưa từng có cho nhiều nước, nhưng đồng thời ông cũng thừa nhận, trong những năm gần đây, sự thịnh vượng đó đã dần biến mất.
Ông Le Maire cho rằng đánh đổi công bằng xã hội để đạt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng là một ý tưởng sai lầm và không công bằng. Các nước không thể đánh đổi bất bình đẳng xã hội để có được tăng trưởng và cần phải chấm dứt quan niệm này. Nếu các chính trị gia và các doanh nghiệp không sớm nhận ra điều này thì chính những người lao động chịu bất công sẽ đưa ra câu trả lời buộc họ phải thay đổi.
Đề cập tới phong trào biểu tình của phe "Áo vàng" nhằm phản đối giá cả leo thang tiếp diễn hàng tuần tại Pháp từ tháng 11/2018 mà chưa có dấu hiệu kết thúc, Bộ trưởng Le Maire nhấn mạnh cần phải lắng nghe những dấu hiệu cảnh báo đến từ những nhóm người không được hưởng thành quả của quá trình toàn cầu hóa. Qua đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp đề xuất định hình lại chủ nghĩa tư bản để cân bằng giữa tiến bộ kinh tế và công bằng xã hội.
Bên cạnh đó, dù cho rằng sự thịnh vượng, phát triển kinh tế, công nghệ mới là mục tiêu mà mọi quốc gia đều hướng tới nhưng quan chức Pháp nhấn mạnh cần phải đảm bảo những mục tiêu này mang lại lợi ích cho toàn bộ cộng đồng, chứ không chỉ cho riêng người dân của một quốc gia nào.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Le Maire kêu gọi các nước G7 (gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản) hỗ trợ phát triển kinh tế tại các quốc gia nghèo để giải quyết tận gốc các vấn đề liên quan tới chủ nghĩa tư bản như vấn nạn di cư.
Bộ trưởng Tài chính Pháp khẳng định để ngăn chặn dòng người di cư thì các biện pháp như rào chắn hay bức tường biên giới là không đủ. Theo ông, biện pháp hiệu quả là hãy để cho những thế hệ sau tại các quốc gia đang phát triển nhận thấy triển vọng dành cho tất cả mọi người.
Pháp đảm đương cương vị Chủ tịch luân phiên G7 trong năm 2019.