Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Welt am Sonntag ngày 1/4 được đài RT của Nga dẫn lại, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius nói rằng viện trợ của Washington cho Ukraine có thể sẽ bị cắt giảm đáng kể, bất kể kết quả của cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 như thế nào.
Ông Pistorius cho hay Mỹ sẽ phải chú ý nhiều hơn đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sau năm 2024, ngay cả khi một tổng thống “thân châu Âu” giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Ông cảnh báo kịch bản xấu nhất có thể dẫn đến sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kiev chấm dứt.
“Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra và một tổng thống Mỹ - người xa rời châu Âu và NATO - chuyển đến Nhà Trắng, chúng ta sẽ phải đối mặt với những thách thức không thể tưởng tượng được”, ông Pistorius nói. “Sau đó, châu Âu sẽ phải bù đắp cho sự suy giảm trong cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ NATO như những gì chúng ra đang làm hiện nay,” ông nói thêm.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Đức cũng nói rằng các vấn đề quốc phòng của nước này sẽ không được giải quyết vào thời điểm đó. Bộ trưởng thừa nhận các vấn đề về nguồn cung và kinh phí mà Quân đội Đức phải đối mặt trong nhiều năm cũng khó có thể được giải quyết trước năm 2030. Ông cho biết kho dự trữ của quân đội nước này có hạn và từ chối cung cấp thêm xe tăng do Đức sản xuất cho Ukraine.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Pistorius không nói rõ ứng cử viên nào sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2024, trường hợp mà ông gọi là “xấu nhất”.
Một số ứng cử viên tiềm năng nổi bật của đảng Cộng hòa - bao gồm cả cựu Tổng thống Donald Trump – cũng đặt hoài nghi về ý tưởng tiếp tục viện trợ cho Ukraine của Mỹ, làm dấy lên lo ngại ở Kiev.
Trước đó, vào tháng 3, ông Trump nói rằng nếu ông tái đắc cử, Kiev nên biết rằng họ “sẽ nhận được ít tiền hơn từ Washington”.
Trong khi đó, ứng cử viên tiềm năng khác cho vị trí người đứng đầu Nhà Trắng - Thống đốc Florida Ron DeSantis - cũng mô tả xung đột Ukraine là cuộc “tranh chấp lãnh thổ”, trong đó Mỹ không có lợi ích gì khi tham gia tích cực hơn.
“Trong khi Mỹ có nhiều lợi ích cốt lõi như đảm bảo an ninh biên giới, giải quyết cuộc khủng hoảng về mức độ sẵn sàng của quân đội, đảm bảo sự độc lập và an ninh về năng lượng, đồng thời cản trở ảnh hưởng về kinh tế, văn hóa và quân sự của Trung Quốc thì việc vướng vào tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Ukraine không nằm trong những lợi ích đó”, ông DeSantis tuyên bố.
Về phần mình, cuối tháng 3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng lo ngại sự ủng hộ của Washington cho Kiev sẽ suy giảm sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm sau.
“Mỹ thực sự hiểu nếu họ ngừng hỗ trợ, chúng tôi sẽ không thể chiến thắng”, nhà lãnh đạo Ukraine nhận định.
Ông Zelensky thận trọng không nêu tên hai chính trị gia Mỹ này trong cuộc trả lời phỏng vấn trên mặc dù ông bày tỏ lo ngại về sự thay đổi chính trị có thể diễn ra ở Washington.
Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden hiện đang vấp phải sự chỉ trích từ một số chính trị gia đảng Cộng hòa, những người cho rằng Mỹ đang viết tờ “séc khống” cho Ukraine. Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Biden đã đảm bảo được khoản ngân sách trị giá 112 tỷ USD liên quan đến Ukraine từ Quốc hội. Khoản ngân sách trên được sử dụng để chi trả cho các vũ khí cung cấp cho Ukraine và hỗ trợ các cơ quan của chính phủ nước này duy trì hoạt động.