Theo đài RT (Nga), bà Margrethe Vestager, Uỷ viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU, cho biết người tiêu dùng châu Âu sẽ phải gánh chịu hậu quả tăng giá năng lượng vĩnh viễn nếu lục địa này áp lệnh ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga.
“Một phần đáng kể của ngành công nghiệp châu Âu dựa vào năng lượng siêu rẻ từ Nga, lao động siêu rẻ của Trung Quốc và chất bán dẫn được trợ giá cao từ Đài Loan. Châu Âu hiểu rõ những rủi ro này, nhưng lại tỏ ra tham lam”, bà Vestager nói với tờ Handelsblatt của Đức hôm 25/5.
Theo vị quan chức, các quốc gia châu Âu không thể đơn giản chấp nhận sự phụ thuộc này theo một phần của thoả thuận. Bà Vestager cho rằng châu Âu cần đa dạng hoá thương mại và chấp nhận giá năng lượng tăng cao hơn. Bà thừa nhận người tiêu dùng cuối cùng sẽ phải trả giá cho những thay đổi đó.
Đồng thời, uỷ viên EU Vestager bày tỏ hy vọng giải pháp mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng của EU có thể giúp hạn chế một phần đà tăng giá.
Theo dữ liệu mới nhất do Công ty dịch vụ ô tô RAC tiết lộ, giá xăng trung bình ở Anh đã lần đầu vượt mốc 1,7 euro/lít. Cụ thể, ngày 23/5, giá xăng không chì đã đạt mốc 1,69 euro/lít, tăng từ 1,68 euro được ghi nhận vào tuần trước. Trong khi đó, giá dầu diesel trung bình giảm xuống 1,8137 euro/lít, giảm từ 1,8148 bảng vào ngày hôm trước.
Theo ông Simon Williams, phát ngôn viên của RAC, giá xăng dầu đã tăng lên “ một mốc đáng tiếc khác”. Ông nhận định: “Mặc dù giá bán buôn có thể đã đạt đỉnh vào tuần trước, nhưng giá xăng dầu vẫn ở mức cao đáng lo ngại. Giá xăng tăng kỷ lục đã góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt”.
Giá nhiên liệu tăng vọt ở Anh diễn ra trong bối cảnh lạm phát gia tăng từ khi COVID-19 bùng phát và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch này. Đây là một phần của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và đang trở nên trầm trọng hơn khi các quốc gia phương Tây áp đặt hàng loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine. Điều này khiến chi phí các mặt hàng thiết yếu và hàng hóa tăng vọt.
Giá xăng dầu tại Anh đã tăng vọt bất chấp Chính phủ nước này đã giảm thuế nhiên liệu 5 xu/lít vào tháng 3. Ông Williams kêu gọi nhà chức trách Anh cần can thiệp sâu hơn để giảm bớt áp lực cho các lái xe, hộ gia đình và doanh nghiệp.
Giá nhiên liệu tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến Anh. Chi phí xăng dầu đã tăng lên mức kỷ lục ở Mỹ, trong khi tại các thị trường bán buôn ở châu Âu, phí bảo hiểm của nhiên liệu so với dầu thô cao hơn nhiều so với định mức theo mùa.
Liên minh châu Âu cho biết họ muốn giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, nhiều nước EU đang phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Moskva. Một số quốc gia đã không ủng hộ đề xuất cấm vận dầu Nga. Moskva cung cấp khoảng 40% tổng lượng khí đốt tự nhiên của EU và khoảng 1/3 nhu cầu dầu của các quốc gia này.
Trước đó, EU đã đề xuất lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga, theo một phần của gói trừng phạt mới nhằm vào Moskva. Hôm 4/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đưa ra đề xuất gói trừng phạt thứ 6 của EU nhằm vào Nga, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Moskva theo từng giai đoạn. Cơ quan này muốn từng bước loại bỏ nguồn cung dầu thô của Nga trong 6 tháng và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm 2022.