Qatar khẳng định UAE đứng sau vụ tấn công mạng gây khủng hoảng vùng Vịnh

Tướng Ali Mohammed al-Mohannadi, người đứng đầu nhóm điều tra vụ tấn công mạng nhằm vào hãng thông tấn quốc gia Qatar (QNA) hồi tháng cuối tháng 5, tuyên bố Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đứng sau vụ việc này.

Tướng Ali Mohammed al-Mohannadi (giữa) tại cuộc họp báo ở Doha ngày 20/7. Ảnh: AFP

Theo phóng viên TTXVN tại vùng Vịnh, phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 20/7, Tướng al-Mohannadi cho biết "vụ tin tặc được tiến hành từ hai trang web ở UAE". Theo ông, kẻ tấn công đã chiếm quyền kiểm soát mạng của QNA, đánh cắp các tài khoản và đăng tải thông tin sai lệch trên trang điện tử của QNA.

Về phần mình, Phó giám đốc cơ quan an ninh mạng Qatar, Othmane Salem al-Hamoud cho biết thêm kẻ tấn công "đã phát hiện một lỗ hổng trong mạng của QNA và chia sẻ thông tin này với một cá nhân trên mạng Skype, sau đó truy cập qua lỗ hổng này để kiểm soát trang mạng của QNA".

Tướng al-Mohannadi cho biết kết quả điều tra trên đã được trình cơ quan công tố Qatar để đưa ra "các biện pháp thích hợp". Phía Qatar cho biết thêm các nhân viên Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã giúp Doha điều tra nguồn gốc vụ tấn công này.

Hồi tháng 6 vừa qua, Trưởng Công tố Qatar Ali bin Fetais al-Marri đã cáo buộc "các nước láng giềng" đứng sau vụ tấn công mạng QNA, song không cung cấp thêm chi tiết. Vụ tấn công này đã châm ngòi cho rạn nứt ngoại giao nghiêm trọng giữa Doha và các nước láng giềng.

Đầu tháng 7, báo The Washington Post của Mỹ dẫn các quan chức tình báo Mỹ cho biết UAE có thể đã đứng sau vụ tấn công này. Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash đã bác bỏ cáo buộc trên, cho rằng thông tin mà The Washington Post đăng tải "hoàn toàn không chính xác", đồng thời nhấn mạnh "cần một giải pháp khu vực và sự giám sát của quốc tế" cho cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh hiện nay.

Cùng ngày, trong cuộc gặp với người đồng cấp Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani đang ở thăm Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi tất cả các bên giải quyết bất đồng trong khuôn khổ Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).

Theo ông, các bên cần tiếp tục kiềm chế, tiến hành đối thoại trực tiếp càng sớm càng tốt nhằm tránh làm leo thăng căng thẳng, phát đi tín hiệu tích cực trong việc giải quyết khủng hoảng thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao và tái đảm bảo vai trò của GCC.


Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc tin tưởng các nước vùng Vịnh có thể tìm ra con đường giải quyết khủng hoảng thông qua các cuộc đối thoại thực chất dựa trên cơ sở chống chủ nghĩa khủng bố chung, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nhau cũng như duy trì cam kết đối với các nguyên tắc quốc tế.

Ông cũng đánh giá cao và ủng hộ vai trò trung gian của Kuwait, kêu gọi cộng đồng quốc tế tạo điều kiện để giải quyết khủng hoảng ở cấp khu vực, đồng thời bày tỏ Bắc Kinh sẵn sàng đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy hòa đàm nếu cần thiết.

Về phần mình, Ngoại trưởng Al Thani khẳng định Qatar sẵn sàng tiến hành các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với tất cả các bên dựa trên tôn trọng chủ quyền, không can thiệp vào các vấn đề nội bộ và phù hợp với luật pháp quốc tế để dần thiết lập lòng tin chung và giải quyết các khác biệt cơ bản.

TTXVN/Tin Tức
Qatar sẵn sàng đàm phán với các nước Arab để giải quyết khủng hoảng
Qatar sẵn sàng đàm phán với các nước Arab để giải quyết khủng hoảng

Ngày 21/7, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani cho biết vương quốc nhỏ bé này sẵn sàng tiến hành đàm phán mang tính xây dựng với các đối thủ Arab nếu họ ngừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Qatar.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN