“Ông Mark Rutte sẽ là Tổng thư ký tiếp theo của NATO sau khi cả 32 thành viên của liên minh nhất trí rằng Thủ tướng Hà Lan sắp mãn nhiệm sẽ thay thế ông Stoltenberg. Sau khi Hungary và Slovakia tuyên bố ủng hộ ông Rutte vào ngày 18/6, Romania cũng đưa ra sự ủng hộ tương tự vào ngày 20/6, với việc Tổng thống Romania Klaus Iohannis rút khỏi vị trí ứng cử lãnh đạo NATO”, tờ báo viết.
Theo nguồn tin, ông Rutte sẽ chính thức được bổ nhiệm tại Hội nghị thượng đỉnh Washington vào tháng 7 tới. Sau đó, ông Rutte sẽ thay thế ông Stoltenberg vào ngày 2/10 trong nhiệm kỳ 5 năm.
Tờ Politico lưu ý một trong những mục tiêu chính của ông Rutte là tăng chi tiêu quân sự của tất cả các quốc gia thành viên NATO lên 2% GDP. Ông Rutte đã không thể đưa chi tiêu quân sự của Hà Lan đáp ứng con số này trong nhiệm kỳ Thủ tướng của mình. Theo dữ liệu của NATO, Hà Lan sẽ chỉ đạt con số 2% trong năm nay. Tổng cộng 23 trong số 32 quốc gia thành viên sẽ đạt ngưỡng này trong năm 2024.
Ông Stoltenberg đã trở thành Tổng thư ký NATO vào năm 2014. Nhiệm kỳ của ông đã được gia hạn nhiều lần sau khi liên minh không tìm được người kế nhiệm. Nhưng năm nay, sau khi ông Stoltenberg nhấn mạnh ông không thể tiếp tục tại vị lâu hơn nữa, ông Rutte đã đứng lên tranh cử và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ Mỹ, Anh, Đức và Pháp.
Ông Rutte, một chính trị gia trung hữu, giữ vai trò Thủ tướng Hà Lan suốt 14 năm, đã tuyên bố sẽ từ chức cách đây một năm. Theo giới quan sát, dự kiến ông Rutte sớm mãn nhiệm sau các cuộc đàm phán kéo dài để thành lập chính phủ Hà Lan mới. Ông Rutte được biết đến với biệt danh “Teflon Mark” nhờ khả năng trụ vững sau loạt vụ bê bối. Ông vẫn đang giảng dạy các môn khoa học xã hội mỗi ngày một tuần tại các trường học ở The Hague trong thời gian ông làm thủ tướng.
Ngoài việc tìm cách hỗ trợ Ukraine khi quốc gia này chưa trở thành thành viên chính thức của NATO, ông Rutte có thể phải đối mặt với loạt thách thức từ ông Donald Trump, ứng viên đảng Cộng hòa và là đối thủ của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. Ông Trump đã nhiều lần lên tiếng hoài nghi về giá trị của NATO, thậm chí còn đề cập đến việc sẽ rút Mỹ khỏi NATO nếu tái đắc cử trong bối cảnh có những lời phàn nàn về mức chi tiêu quốc phòng của các thành viên khác.