Đại diện đặc biệt của Mỹ về phục hồi kinh tế Ukraine, Penny Pritzker, cho biết tại Davos, Thụy Sĩ ngày 15/1 rằng có “hy vọng rất lớn” về việc tịch thu tài sản của Nga có thể giúp tài trợ cho hoạt động tái thiết Ukraine, nhưng Mỹ sẽ cần sự hợp tác của châu Âu để biến điều đó thành hiện thực.
Theo tờ Kyiv Post, nhiều quốc gia Tây Âu đã do dự trước yêu cầu của Kiev về khoản 300 tỷ USD tài sản của Nga bị phong toả, vì một động thái như vậy có thể làm giảm đầu tư nước ngoài vào các quốc gia đó. Hơn nữa, như bà Pritzker lưu ý, nó sẽ kéo theo vô số vấn đề pháp lý đau đầu.
“Tôi nghĩ có rất nhiều hy vọng rằng tài sản thuộc chủ quyền của Nga có thể trở thành một nguồn tài chính dễ dàng. Nhưng toàn bộ sự việc rất phức tạp. Và điều đầu tiên bạn biết là có rất nhiều luật sư cần tham gia”, bà Pritzker cảnh báo khi phát biểu tại Tòa nhà Ukraine (Ukraine House) được thành lập tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos.
Bà Pritzker, người từng giữ chức Bộ trưởng Thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, lưu ý rằng các bộ trưởng G7 đang nghiên cứu tính khả thi của sáng kiến như vậy. Quan chức này cũng nói rằng chính phủ Mỹ sẽ không hành động một mình và phải đưa ra “quyết định tập thể”.
Bà Pritzker cũng tìm cách trấn an người Ukraine rằng Washington sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ cho Kiev bất chấp tâm lý “không chắc chắn” về sự giúp đỡ của Mỹ và châu Âu: “Tôi muốn trấn an người dân Ukraine rằng người dân Mỹ và nước Mỹ luôn ở bên các bạn, mặc dù nền chính trị và nền dân chủ của chúng ta có thể rất phức tạp”.
Trong khi đó, người đồng cấp Pháp của bà, Pierre Heilbronn, chỉ ra rằng 2/3 trong số tài sản đóng băng ước tính trị giá 300 tỷ USD của Nga đang được đề cập là ở châu Âu. Ông Heilbronn được hãng tin AFP dẫn lời nói: “Trên thực tế, chúng tôi hiểu rất rõ rằng ít nhiều G-7 nên có quan điểm chung về vấn đề đó”.
Một ví dụ cho việc châu Âu đang nắm giữ nhiều tài sản đóng băng của Nga là vùng Côte d'Azure của Pháp nổi tiếng là "thỏi nam châm" thu hút tiền của giới tài phiệt Nga. Vào năm 2022, chính quyền Pháp đã tịch thu du thuyền của nhà tài chính người Nga Alexei Kuzmichev, người có tài sản ròng ước tính khoảng 9 tỷ USD. Vào tháng 11 năm ngoái, biệt thự Saint Tropez của Kumichev đã bị khám xét và ông trùm này bị bắt giữ vì tội trốn thuế, rửa tiền và trốn tránh các lệnh trừng phạt quốc tế.
Tại Italy, vào tháng 7 năm ngoái, chính quyền đã phong tỏa khoảng 2,5 tỷ USD tài sản của các nhà tài phiệt Nga, bao gồm tài khoản ngân hàng, biệt thự, du thuyền và ô tô hạng sang. Vào tháng 12, Đức đã tiến hành tịch thu khoảng 800 triệu USD trong tài khoản ngân hàng Frankfurt do Trung tâm Lưu ký Định cư Quốc gia Nga nắm giữ.
Tổng giá trị tài sản do các cá nhân Nga nắm giữ ở Liên minh châu Âu được chốt ở mức khoảng 30 tỷ USD, trong khi còn hơn 230 tỷ USD tiền của Ngân hàng Trung ương Nga đang nằm ở đó.
Bà Pritzker, bản thân cũng là tỷ phú thông qua chuỗi khách sạn Hyatt của gia đình, giải thích rằng quá trình chuyển số tiền Nga bị tịch thu cho Kiev sẽ đòi hỏi cơ sở pháp lý. “Công việc thực sự đang diễn ra, nỗ lực thực sự và ý định thực sự, nhưng chúng tôi còn lâu mới đi đến kết luận”, nữ quan chức Mỹ nói.
Tổng thống Volodymyr Zelensky, người dự kiến có bài phát biểu tại Diễn đàn Davos trong ngày 16/1, cho biết sau cuộc hội đàm với Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd rằng số phận tài sản bị phong tỏa của Nga là một “vấn đề cấp bách”.