Trong vài tuần gần đây, Nga gia tăng vận chuyển dầu thô cho nhiều khách hàng chủ chốt bất chấp vị thế của Nga trên thị trường năng lượng quốc tế bị đe dọa. Một phương pháp phổ biến đang được Moskva áp dụng để bán dầu thô ra bên ngoài là để các tàu chở dầu dán nhãn “điểm đến không xác định”.
Theo dữ liệu của trang mạng TankerTrackers, xuất khẩu dầu thô từ các cảng của Nga tới các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) – cũng chính là khách mua lớn nhất của Nga, đã tăng lên mức 1,6 triệu thùng/ngày trong tháng 4 này. Trước đó, sản lượng xuất khẩu sang EU giảm còn 1,3 triệu thùng/ngày trong tháng 3 sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Một thị trường “bóng mờ” đang xuất hiện để che giấu nguồn gốc nguồn dầu thô từ Nga. Không giống như trước đây, khách mua dầu giờ sợ bị mang tiếng khi thực hiện các giao dịch dầu thô với Nga. Họ lo ngại bị quy kết tạo điều kiện cho Moskva có nguồn lực tài chính phục vụ can dự quân sự ở Ukraine.
Lượng dầu thô được xuất đi khỏi cảng từ Nga mà không có điểm đến rõ ràng tăng nhanh. Theo trang TankerTrackers, tính trong tháng 11 này, có khoảng 11,1 triệu thùng dầu được chất lên các tàu chở dầu của Nga mà không có lộ trình định trước, nhiều hơn bất kỳ nước nào. Trước khi Nga đưa quân vào Ukraine, hiện tượng này gần như không tồn tại.
Một lý do để che giấu nguồn gốc dầu từ Nga là các nước rất cần dầu thô để duy trì hoạt động kinh tế và ngăn giá nhiên liệu leo thang. Tuy nhiên, các công ty và giới trung gian thị trường phải chọn cách giao dịch thầm lặng, tránh để bị mang tiếng là cấp tiền cho chiến dịch quân sự của Nga.
Giới phân tích và giao dịch hàng hóa cho biết việc gắn mác "điểm đến không xác định" là tín hiệu cho thấy dầu sẽ được đưa vào các tàu lớn hơn ở trên biển để dỡ hàng, sang mạn. Dầu thô Nga sau đó sẽ được trộn lẫn với dầu có sẵn trên tàu kia, làm mờ đi nguồn gốc xuất xứ. Đây là cách một số nước bị trừng phạt như Iran, Venezuela sử dụng để xuất khẩu dầu.
Theo một số hãng vận hành tàu biển, giới hoạt động trong lĩnh vực sang mạn trên biển và hai công ty chuyên theo dõi dữ liệu tàu biển, tuần trước tàu Elandra Denali xuất hiện ngoài khơi Gibraltar và nhận 3 lô hàng từ các tàu chở dầu xuất phát tại cảng Ust-Luga và Primorsk (Nga). Lịch trình cho thấy tàu này rời đi từ Incheon, Hàn Quốc và dự kiến đến Rotterdam - cảng lọc dầu chính tại Hà Lan.
Giới buôn dầu thô cũng cho biết nhiều loại dầu lọc mới mang nhãn Latvian blend và Turkmenistani blend cũng đang được chào bán trên thị trường. Chúng được ngầm hiểu chứa thành phần lớn là dầu Nga. Xuất khẩu dầu là huyết mạch của kinh tế và ngân sách Nga. Moskva đang tìm mọi cách để xuất bán lượng dầu và mức giá tương đương trước khi nổ ra cuộc chiến ở Ukraine.
Chưa có lệnh trừng phạt, nhiều công ty năng lượng châu Âu cũng đã “tự cấm vận” nhập dầu Nga vài tuần sau khi nổ ra xung đột, trong bối cảnh các ngân hàng không mặn mà cấp tín dụng và phí bảo hiểm tăng vọt. Xuất khẩu dầu thô của Nga giảm trong tháng 3, dẫn đến lượng tồn kho trong nước tăng, một số cơ sở lọc dầu phải giảm sản lượng.
Tuy nhiên, với việc lượng dầu Nga cập cảng châu Âu trong tháng 4 tăng lên, cũng gia tăng tần suất của tàu chở dầu có "điểm đến không xác định", các công ty dường như đã tìm ra cách giao dịch an toàn. "EU cấm triệt để dầu thô của Nga chẳng khác nào nói rằng ngày mai bạn bị giảm lương 40% nhưng vẫn phải sống như chưa có chuyện gì xảy ra. Trong khi đó, dầu Nga đang rất rẻ. Nhiều người coi đây là mặt hàng hấp dẫn", Giovanni Staunovo – nhà phân tích tại UBS Group lý giải về sự xuất hiện của thị trường “bóng mờ” đối với dầu thô Nga.
Urals là một nhãn dầu phẩm cấp cao của Nga. Loại dầu này đang có giá thấp hơn dầu Brent Biển Bắc từ 20 - 30 USD một thùng. Trước xung đột, mức chênh lệch này chỉ là 1 - 2 USD. Nga đang đàm phán thỏa thuận bán dầu cho người mua ở Ấn Độ.
Phần lớn dầu Nga vẫn đang được dán nhãn điểm đến rõ ràng trong các chứng từ vận chuyển. Dầu được chuyển đến Romania, Estonia, Hy Lạp và Bulgaria đã tăng gấp đôi trong tháng này so với trung bình tháng 3. Lượng dầu đến Hà Lan - khách hàng nhập khẩu lớn ở châu Âu, và Phần Lan cũng tăng mạnh. Một số đầu mối gấp rút đặt mua vì lo sợ sẽ sớm có lệnh trừng phạt dầu thô Nga. Số khác lý giải dầu được giao kỳ này là dựa trên những hợp đồng ký kết trước khi xảy ra cuộc chiến.
"Việc họ mua nhiều hơn trước xung đột cho thấy nguyên nhân không chỉ là các hợp đồng dài hạn", Simon Johnson - Giáo sư kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nhận định. Theo ông, lý do là dầu thô Nga được mời chào với mức chiết khấu cao và xu hướng này sẽ còn tiếp tục cho đến khi có một lệnh trừng phạt chính thức nhằm vào dầu thô Nga.
Vài tuần gần đây, nhiều tập đoàn dầu mỏ cùng những hãng buôn dầu lớn như Royal Dutch Shell, Repsol, Exxon Mobil, Eni, Trafigura và Vitol đã thuê tàu vận chuyển dầu thô Nga từ các cảng ở Biển Đen và biển Baltic đến EU - theo Global Witness và Refinitiv. Số dầu này cập cảng tại Italy, Tây Ban Nha và Hà Lan trong tháng này.
Giới chức EU đang thảo luận kế hoạch cấm vận dầu thô nhập khẩu từ Nga. Nhưng thời điểm áp dụng vẫn là điểm đang gây tranh cãi, khi Pháp bước vào kỳ bầu cử Tổng thống, còn chính quyền Đức phản đối biện pháp này. Một số lo ngại các hãng buôn đã tìm ra cách để lách lệnh cấm. "Kể cả EU trừng phạt dầu thô từ Nga, họ có nhớ là phải trừng phạt các tàu chở dầu không? Các tàu chỉ cần tiến hành sang mạn trên biển - đó là điều rất dễ sẽ xảy ra", ông Johnson giải thích.