Phương Tây có 'cứu nổi' Ukraine thoát khủng hoảng năng lượng?

Bao nhiêu lần Phương Tây đã từng "cố gắng" đưa Ukraine thoát khỏi các cuộc khủng hoảng dầu mỏ và khí đốt trong các "xung đột" với Nga? Và họ có cứu nổi Ukraine hay không? Báo Độc lập (Nga) ngày 14/3 đã đặt những câu hỏi trên và khẳng định rằng Nga đã có lợi thế hơn hẳn Châu Âu và Mỹ với quân bài năng lượng.

Và giờ đây, nhận rõ sự yếu thế hơn, chính quyền mới ở nhiều thành phố của Ukraine đang cố gắng thoát khỏi sự lệ thuộc vào nguồn năng lượng Nga bằng cách thay thế các nguồn nhiêu liệu khác như gỗ, than đá... Điều này cũng là bắt buộc, nhất là trong tình thế giá khí đốt đang tăng cao tại Ukraine, liên quan cuộc khủng hoảng dai dẳng kéo dài nhiều tháng qua ở vùng đất đang bị giằng xé giữa hai hướng đi Đông và Tây, ngược chiều nhau này.

Chính quyền thành phố Dolotrev- miền Tây Ukraine tìm kiếm nguồn nhiên liệu thay thế khí đốt. Ảnh: Reuters


Báo chí phương Tây những ngày qua cũng theo dõi sát sao diễn biến tình hình tại Ukraine. Tờ New York Times ra ngày 14/3 đưa tin rằng quân đội và xe bọc thép Nga tập trung tại khu vực biên giới phía Đông của Ukraine, ít nhất là tại ba khu vực. Tờ báo này nhận định chính quyền mới của Ukraine hiện đang hết sức lo ngại trước tình trạng căng thẳng đang leo thang. Tờ báo cũng ghi nhận phản ứng gay gắt từ Thủ tướng Đức Angela Merkel liên quan việc Nga gia tăng số lượng binh sĩ quân đội trên biên giới với Ukraine, để tiến hành các cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ trước. Tuy nhiên, dư luận quốc tế cũng không khó gì để nhận thấy Mỹ cũng đang triển khai một cuộc tập trận hải quân hỗn hợp với Bulgaria và Romania gần khu vực Crimea. Họ cũng tuyên bố kế hoạch các hoạt động quân sự này đã được sắp đặt từ trước.

Trở lại thái độ của Phương Tây, tờ New York Times dẫn lời bà Merkel gay gắt đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt nhất đối với Nga. Và những biện pháp này đã được toàn bộ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí. Bên cạnh đó, tờ báo cũng nhắc tới sự lo ngại của người phụ nữ quyền lực nhất Phương Tây trước diễn biến leo thang căng thẳng hết sức nhanh, với mồi lửa ban đầu chỉ từ một cuộc xung đột khu vực, đã lan rộng thành cuộc đối đầu toàn diện giữa Đông và Tây, đe dọa phá vỡ mối quan hệ giữa Moskva với EU và Mỹ, đẩy thế giới vào một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Theo kế hoạch, ngày 14/3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp gỡ Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov để tìm cách tháo ngòi nổ tình trạng căng thẳng hiện nay tại Ukraine và Crimea không leo thang thành chiến tranh khu vực. Tờ báo cũng lưu ý rằng trước đó, Mỹ đã từ chối cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, bất chấp lời đề nghị của Thủ tướng tạm quyền nước này Arseny Yatsenyuk.
   
Trong khi ráo riết chuẩn bị các biện pháp nhằm gây sức ép và trừng phạt Nga, thì báo chí nước này, cụ thể là tờ Die Welt của Đức không quên đăng tải quan điểm của bà Thủ tướng Merkel tin rằng có một giải pháp chính trị và ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine thay vì các hành động quân sự. Bà Merkel tin rằng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là điều không thể bàn cãi, đồng thời cũng khẳng định mối quan hệ đối tác EU và Ukraine không nhằm chống lại Nga. Tuy nhiên, dư luận quốc tế chắc chắn chưa quên chính EU là người đã "mời chào" sáu quốc gia trong không gian hậu Xôviết tham gia chương trình Đối tác phương Đông, nhằm hỗ trợ các quốc gia, trong đó có Ukraine, phát triển kinh tế. Thực tế hiển nhiên lúc này có lẽ sẽ tốt hơn mọi ngôn từ báo chí, nền kinh tế Ukraine chưa kịp phát triển, chỉ thấy những khu vực đổ nát, chỉ thấy chính phủ tạm quyền nước này nợ lương, cắt giảm lương hưu trí và nhiều khoản trợ cấp xã hội khác...


Tờ Los Angeles Times ngày 14/3 cũng cảnh báo về hậu quả khôn lường đối với EU và Mỹ, vốn sẽ kéo theo các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga. Rõ ràng không thể không thừa nhận lợi thế của Nga trong vấn đề năng lượng. Trong khi nguồn năng lượng của Mỹ không thể đáp ứng nhu cầu của Ukraine, trong khi EU là những khách hàng nhập khẩu thường xuyên nguồn năng lượng Nga, và nếu Nga đóng van các đường ống dẫn khí tới EU, thử hỏi lúc đó "ốc không mang nổi mình ốc" liệu có còn đòi... cứu Ukraine nữa hay không?!


Quế Anh (P/v TTXVN tại Nga)

EU lập danh sách các quan chức Nga có thể bị trừng phạt
EU lập danh sách các quan chức Nga có thể bị trừng phạt

Ngày 14/3, các quan chức châu Âu cho biết Liên minh châu ÂU (EU) đã lên danh sách gồm 120-130 quan chức cấp cao của Nga có thể nằm trong diện bị cấm đi lại và phong tỏa tài sản như là một phần của các biện pháp trừng phạt của EU đối với nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN