Phương Tây chia rẽ khi ICC phát lệnh bắt giữ lãnh đạo Israel

Mỹ và Anh phản đối lệnh bắt của ICC đối với thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng của Israel, trong khi nhiều thành viên EU khác bày tỏ tôn trọng phán quyết của ICC.

Chú thích ảnh
Trưởng công tố của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) Karim Khan trong cuộc họp báo ở Bogota, Colombia ngày 25/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 22/5, lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant đã gây ra những phản ứng khác nhau từ các nước phương Tây.

Tổng công tố ICC Karim Khan đã yêu cầu tòa án ban hành lệnh bắt giữ ông Netanyahu, Gallant và ba quan chức Hamas, viện dẫn những căn cứ hợp lý để tin rằng họ phải chịu trách nhiệm hình sự liên quan đến thương vong thảm khốc ở Gaza.

Thủ tướng Netanyahu cho rằng phán quyết của ICC là hình thức bài Do Thái mới chuyển từ các trường đại học sang ICC, trong khi Tổng thống Israel Isaac Herzog cho rằng yêu cầu của công tố Khan đã vượt quá giới hạn và gây ra mối nguy cơ sụp đổ hệ thống tư pháp quốc tế.

Tiêu chuẩn kép của một số nước phương Tây

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả lệnh bắt này là "đáng xấu hổ" và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh rang Washington bác bỏ phán quyết mới của ICC.

Ngược lại, Tổng thống Biden gọi phán quyết của ICC vào tháng 3/2023 với nhà lãnh đạo Nga là "chính đáng", trong khi ông Blinken kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên ICC thực thi quyết định này.

Theo báo chí Anh, người phát ngôn của Thủ tướng Rishi Sunak cho biết lệnh bắt giữ ông Netanyahu không giúp ngăn chặn xung đột, giải cứu con tin hay cung cấp viện trợ nhân đạo.

Ngược lại, Ngoại trưởng Anh trước đây là James Cleverly đã "hoan nghênh hành động độc lập" của ICC liên quan đến Tổng thống Putin.

Thủ tướng Áo Karl Nehammer viết trên trang mạng xã hội X rằng mặc dù nước này hoàn toàn tôn trọng tính độc lập của ICC, nhưng yêu cầu lệnh bắt giữ đồng thời đối với Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Gallant, cùng với lãnh đạo Hamas, là "không thể hiểu được".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Áo Alma Zadic bày tỏ ủng hộ lệnh bắt của ICC với ông Putin và chỉ ra rằng Áo sẽ ủng hộ ICC trong vụ việc này.

Thủ tướng Séc Petr Fiala mô tả yêu cầu bắt giữ ông Netanyahu và Gallant, cùng với ba nhà lãnh đạo Palestine, là "khủng khiếp và hoàn toàn không thể chấp nhận được", nhưng bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với những nỗ lực của ICC với Tổng thống Putin.

Sự khác biệt rõ ràng trong phản ứng về phán quyết của ICC đã làm dấy lên cáo buộc về tiêu chuẩn kép. Dylan Williams, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề quản trị tại Trung tâm Chính sách Quốc tế có trụ sở tại Mỹ nói: “Chúng ta đang ở thời điểm then chốt đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà Mỹ đã nỗ lực xây dựng trong 70 năm qua. Câu hỏi mà phần lớn thế giới đang đặt ra là liệu luật pháp và quy trình mà Mỹ xây dựng có áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi người hay Washington và các đồng minh được miễn trừ?”.

Các thành viên EU khác tôn trọng phán quyết của ICC

Trong khi đó, nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước thành viên EU, hạn chế bình luận trực tiếp về quyết định mới của ICC mà thay vào đó bày tỏ tôn trọng tính độc lập của tòa quốc tế này.

Một số quốc gia EU, vốn công khai ủng hộ lệnh bắt của ICC với ông Putin, đã chọn cách giữ im lặng trước yêu cầu liên quan đến Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Gallant.

Bộ Ngoại giao Đức bày tỏ tôn trọng tính độc lập và hoạt động của ICC nhưng lưu ý rằng việc ban hành lệnh bắt giữ cả lãnh đạo Israel và các quan chức Hamas sẽ tạo ra sự "đánh đồng sai lầm".

Ngoại trưởng Ireland Micheal Martin thừa nhận lệnh bắt giữ của công tố viên ICC, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng tính độc lập và vô tư của tòa án. Ông cũng lên án những lời đe dọa gần đây chống lại ICC và các quan chức của tổ chức này.

Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định ủng hộ tính độc lập của ICC và cuộc đấu tranh chống sự miễn trừ trong mọi trường hợp.

Tương tự, trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha nhắc lại cam kết về tính độc lập và khách quan của ICC, nhấn mạnh rằng tòa án này phải hoạt động tự do và không bị can thiệp.

Đại diện Liên hợp quốc của Thụy Sĩ Pascale Baeriswyl, trong bài phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã lưu ý yêu cầu ban hành lệnh bắt giữ và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ ICC và tôn trọng tính độc lập của tổ chức này.

Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide đã thảo luận về yêu cầu của ICC về lệnh bắt giữ ông Netanyahu và Gallant với truyền thông địa phương, chỉ ra rằng Na Uy sẽ có nghĩa vụ bắt giữ họ nếu vào lãnh thổ Na Uy, áp dụng thủ tục tương tự đối với các nhà lãnh đạo Hamas.

Về phần mình, Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib coi yêu cầu của ICC là một bước tích cực hướng tới công lý, cam kết hỗ trợ ICC.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo aa.com.tr)
Mỹ phản ứng dữ dội sau khi ICC công bố lệnh bắt giữ các lãnh đạo hàng đầu của Israel
Mỹ phản ứng dữ dội sau khi ICC công bố lệnh bắt giữ các lãnh đạo hàng đầu của Israel

Nhà Trắng cho rằng “ICC không có thẩm quyền xét xử vụ việc và đang làm suy yếu uy tín của chính tổ chức này”, trong khi lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đe dọa sẽ trừng phạt ICC vì các lệnh trên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN