Theo nguồn tin, một tuần sau vụ tấn công các đường ống dẫn khí từ Nga tới Đức dưới Biển Baltic hồi tháng 9/2022, một phái đoàn tại bán đảo Scandinavia đã biết rằng vụ việc do “một doanh nghiệp tư nhân người Ukraine” dàn dựng. Phái đoàn được cho là đã nhận được thông tin này tại một cuộc họp giao ban tình báo ở Brussels.
“Danh tính của kẻ bị tình nghi thực hiện vụ tấn công đường ống Dòng chảy phương Bắc đã lưu hành trong giới tình báo suốt nhiều tháng nhưng không được tiết lộ”, báo cáo cho biết.
Tờ New York Times cho biết nghi phạm là công dân Ukraine, không có liên hệ với chính phủ ở Kiev. Nguồn tin cũng cáo buộc nghi phạm “dường như đã để lại một tấm danh thiếp đặc biệt,” mà không giải thích chi tiết.
Phái đoàn Scandinavia cũng được yêu cầu làm chệch hướng mọi câu hỏi tại sao cuộc điều tra về vấn đề này lại được tiến hành với tốc độ chậm như vậy.
Tờ báo cho rằng các quan chức NATO dường như muốn “bảo vệ Ukraine khỏi một cuộc tranh cãi công khai với Đức”. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, Berlin miễn cưỡng cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Kiev mà không có sự hỗ trợ của đồng minh. Đức đã đảo ngược quyết định này hồi tháng 1/2023, và một số quốc gia phương Tây khác cũng cam kết chuyển giao xe tăng.
Bình luận về loạt thông tin trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng các cáo buộc này giống như chiến dịch phối hợp đánh lạc hướng dư luận, tránh dồn sự chú ý vào thủ phạm thực sự.
Hồi tháng trước, nhà báo nổi tiếng của Seymour Hersh của Mỹ cáo buộc Washington đứng sau dàn dựng các cuộc tấn công Dòng chảy Phương Bắc. Trong khi Nhà Trắng phủ nhận mọi trách nhiệm, vào tháng 1, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland nói rằng Washington rất hài lòng khi biết rằng Dòng chảy phương Bắc 2 không còn hoạt động.
Vụ nổ đường ống Dòng chảy phương Bắc xảy ra khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine kéo dài 7 tháng. Vụ việc xảy ra ở vùng quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch tại biển Baltic. Cả hai quốc gia này đều kết luận vụ nổ xảy ra là cố ý, nhưng chưa chỉ rõ ai đứng sau vụ việc.
Mỹ và NATO gọi vụ tấn công đường ống này là hành động phá hoại, trong khi Nga đổ lỗi cho phương Tây và kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập. Tuy nhiên, không bên nào đưa ra bằng chứng rõ ràng.
Đan Mạch, Đức và Thụy Điển tháng trước cho biết cuộc điều tra của họ vẫn chưa kết thúc. Hôm 7/3, Mỹ và Anh cho biết họ đang chờ đợi những phát hiện mới trong cuộc điều tra.
Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby nói: “Chúng ta cần chờ những cuộc điều tra này kết thúc và khi đó, chúng ta mới nên xem xét những hành động tiếp theo có phù hợp hay không”.
Hôm 8/3, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã không trả lời câu hỏi vụ phá hoại đường ống Dòng chảy Phương Bắc có thể ảnh hưởng như thế nào đến viện trợ quân sự của phương Tây cho Kiev, nếu thực sự nhóm thân Ukraine đứng sau vụ nổ đường ống dẫn khí đốt của Nga.
“Chúng ta sẽ phải chờ xem điều gì thực sự được xác nhận”, ông Pistorius nói. Ông cũng nói rằng mọi tuyên bố trong các báo cáo chỉ là giả thuyết và khẳng định rằng hành động phá hoại có thể là một chiến dịch đánh lạc hướng nhằm gài bẫy Ukraine.